VIỆN KSND HUYỆN QUAN HÓA TỔ CHỨC HỌP RÚT KINH NGHIỆM SAU PHIÊN TÒA RÚT KINH NGHIỆM (Bài dự thi Cộc thi "Kiểm sát viên với công tác tuyên truyền")

Nhằm nâng cao chất lượng trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự năm 2023, ngày 12/01/2023 Viện KSND huyện Quan Hóa đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự. Nhận thấy vụ án Trần Thị Nhân bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa truy tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự là vụ án có tính chất phức tạp, được dự luận, người dân trên địa bàn huyện Quan Hóa quan tâm vì vậy Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa đã phối hợp với Tòa án dân huyện Quan Hóa đã tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

(Kiểm sát viên báo cáo kết quả thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa)

        Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Ngày 27/12/2021 Công an huyện Quan Hóa tiếp nhận đơn tố cáo của chị Vi Thị Bình sinh năm 1975, trú tại bản Sắng, xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa về việc: Ngày 18/10/2021 chị Vi Thị Bình có vay của Trần Thị Nhân, sinh năm 1982, trú tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình số tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) với lãi suất 5.000đ/1.000.000đ/ngày tương đương với 182,5%/năm gấp khoảng 9 lần lãi suất cao nhất được phép thu theo quy định pháp luật. Quá trình điều tra đã làm rõ ngoài việc cho chị Vi Thị Bình vay tiền lấy lãi suất cao thì Trần Thị Nhân còn cho 4 người khác vay tiền để lãi suất cao. Tổng số tiền thu lời bất chính mà Trần Thị Nhân đã thu là 62.243.332đ (sáu mươi mốt triệu hai trăm bốn ba nghìn ba trăm ba hai đồng).

(Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa phát biểu chỉ đạo)

Sau khi kết thúc phiên tòa. Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa do đồng chí Lê Văn Tài – Viện trưởng, chủ trì đã tổ chức họp rút kinh nghiệm với sự tham gia của Lãnh đạo viện, toàn thể kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong đơn vị. Quá trình họp rút kinh nghiệm Viện kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa đã đánh giá khách quan, toàn diện về những mặt tốt và những hạn chế của kiểm sát viên tại phiên tòa. Do làm tốt công tác chuẩn bị nên tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã thể hiện rõ vai trò, vị trí pháp lý là người đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo tiêu trí “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Kiểm sát viên chú ý theo dõi, ghi chép việc xét hỏi của Hội đồng xét xử, việc trả lời của bị cáo, những người tham gia tố tụng và đối chiếu với dự thảo đề cương xét hỏi để tích cực, chủ động tham gia xét hỏi bổ sung đối với những vấn đề chưa được làm rõ hoặc những nội dung khai báo còn quanh co, mâu thuẫn hoặc thiếu thành khẩn. 

Thông qua phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự bên cạnh những ưu điểm mà kiểm sát viên đã thể hiện được tại phiên tòa để làm tốt hơn nữa công tác thực hành quyền công tố và xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tại phiên họp thông qua sự đóng góp ý kiến của Lãnh đạo viện, các đồng chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đã thông nhất đưa ra một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử như sau:

1. Theo lời dậy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh cán bộ, Kiểm sát viên là phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, lời dạy đó đã trở thành phương châm rèn luyện của mỗi cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân, trở thành 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát phải thực hiện để tránh xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm

2. Nội dung xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa cần phải bám vào các vấn đề trọng tâm, các tình tiết liên quan nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án và quan điểm truy tố của Viện kiểm sát vì vậy việc chuẩn bị của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa là rất quan trọng. Trước khi tham gia phiên tòa các tài liệu chứng cứ phải được Kiểm sát viên nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện.

3. Tại phiên tòa phong thái, khẩu khí, ánh mắt, nét mặt, đầu tóc, tư thế ngồi của kiểm sát viên phải thể hiện sự uy quyền của cơ quan thực hành quyền công tố Nhà nước.

4. Kiểm sát viên cần phải không ngừng nghiên cứu học hỏi, tự trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và thường xuyên đúc rút kinh nghiệm qua từng vụ án nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phản ứng nhanh nhạy, quyết đoán, sâu sát với hoạt động thực tiễn, nắm chắc pháp luật và đường lối chính sách của Đảng để vận dụng tại phiên tòa, bảo đảm quan điểm giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật, cán bộ, Kiểm sát viên thể hiện được là một người “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. 

5. Đối với những vụ án là loại tội mới, có tính chất phức tạp như tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự thường liên quan đến nhiều người có quyền và lợi ích liên quan, ở nhiều nới khác nhau thì từ giai đoạn tin báo Kiểm sát viên được phân công cần phải phối hợp tốt với Điều tra viên, thường xuyên trao đổi, nắm tiến độ giải quyết vụ án để ban hành các yêu cầu điều tra kip thời, đồng thời thường xuyên báo cáo tiến độ điều tra cho lãnh đạo nắm đê chỉ đạo kịp thời.

 Các phiên tòa rút kinh nghiệm đã thực sự là dịp để các Kiểm sát viên, kiểm tra viên, học tập, trau dồi kiến thức từ các đồng nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. 

 

Tổ tuyên truyền VKSND huyện Quan Hóa