Một số sơ đồ tư duy hỗ trợ Kiểm sát viên xây dựng báo cáo án
Để thực hiện xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy có hiệu quả, Trang tin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của tác giả Khánh Trần (VKSND huyện Như Thanh) kinh nghiệm trong việc sử dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án.
1. Sơ đồ tư duy hình tròn (Circle Map)
Mục đích của sơ đồ vòng tròn là để làm rõ tội danh, các mặt khách quan của tội phạm, đề ra các yêu cầu điều tra… dựa trên những thông tin chúng ta đã biết.
Cách thức thể hiện: Một sơ đồ hình tròn bao gồm một vòng tròn lớn với một vòng tròn khác bên trong. Vòng tròn bên trong là nơi chứa chủ đề chính. Bao quanh nó là vòng tròn lớn hơn, nơi chứa những vấn đề bổ sung cho chủ đề chính.
Ví dụ: Khi báo cáo án đối với vụ án về tội trộm cắp tài sản thì cán bộ KSV cần thể hiện vòng tròn nhỏ là tội danh và các lớp vòng tròn lớn bên ngoài là các cấu thành tội phạm kèm theo chứng cứ chứng minh bổ trợ để cũng cố vấn đề tội danh cho vòng tròn chính.
2. Sơ đồ bong bóng (Bubble Map)
Mục đích của sơ đồ bong bóng là kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội.
Cách thức thể hiện: Một sơ đồ bong bóng bao gồm vòng tròn trung tâm xuất hiện với các vòng tròn hoặc bong bóng khác bao quanh. Mỗi vòng tròn được kết nối sẽ bao gồm những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự.
Ví dụ: Khi báo cáo án đối với vụ án về tội trộm cắp tài sản thì cán bộ KSV cần thể hiện vòng tròn nhỏ là tội danh và các các vòng tròn hoặc bong bóng khác bao quanh là những vấn đề phải chứng minh trong vụ án trộm cắp tài sản đó.
3. Sơ đồ cây (Tree Map)
Mục đích của sơ đồ cây là kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ để chứng minh của từng đối tượng có hay không có hành vi phạm tội; giúp định hướng cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án, làm rõ bản chất vụ án, chứng minh tội phạm; làm rõ vai trò, trách nhiệm đồng phạm; giúp cho hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm được toàn diện, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật; hạn chế việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra bổ sung do không đảm bảo chứng cứ chứng minh, do vi phạm tố tụng, do khởi tố, điều tra không đúng tội danh, do bỏ lọt một tội phạm khác, do không xử lý đồng phạm....
Cách thức thể hiện: Một sơ đồ cây giống như một cái cây thật với nhiều nhánh. Phần trên cùng là tiêu đề cần phải chứng minh (tội danh) hoặc chủ đề chính, bên dưới là các chủ đề phụ. Bên dưới các chủ đề phụ là thông tin liên quan, chi tiết hơn làm rõ bản chất vụ án, chứng minh tội phạm; làm rõ vai trò, trách nhiệm đồng phạm.
4. Sơ đồ đa luồng (Multi Flow)
Mục đích của sơ đồ đa luồng là 01 bức tranh tổng thể của vụ án hình sự, chỉ ra mối liên kết giữa các thông tin, sự kiện, vấn đề chính, cũng như nhận dạng và tìm ra bản chất của vấn đề cần làm rõ trong vụ án một cách logic, chính xác, dễ dàng và hiệu quả
Cách thức thể hiện: Cách sử dụng sơ đồ nhiều luồng là bắt đầu với từ khoá đại diện cho các nội dung thông tin, từ vấn đề chính phát triển các vấn đề nhánh với các nội dung khác nhau để bổ trợ làm rõ cho vấn đề chính hoặc là một bộ phận cấu thành nên nội dung chính. Trong việc trình bày vụ án hình sự, sơ đồ đa luồng giúp hệ thống hoá và sắp xếp các thông tin, các vấn đề trong vụ án.
5. Sơ đồ dấu ngoặc (Brace Map)
Mục đích của sơ đồ dấu ngoặc giúp phân tích từng phần của vụ án và mối quan hệ giữa chúng. Giúp theo dõi vụ án một cách trực quan, trông giống như một sơ đồ cây ngang. Sự khác biệt là sơ đồ này liệt kê tất cả các phần của toàn bộ vụ án. Loại sơ đồ này thường được sử dụng để mô tả, giải thích về diễn biến, quá trình phạm tội, thể hiện nội dung vụ án
Cách thức thể hiện: Loại sơ đồ này được xây dựng theo hình thức một chủ đề chính tại trung tâm. Trong đó ghi nhận nội dung chính của vấn đề khi báo cáo như: hành vi lừa đảo, hành vi giết người.... và xung quanh chủ đề chính là các dấu ngoặc ghi nhận tại mỗi dấu ngoặc là một loại chứng cứ như: lời khai của bị hại, hung khí của vụ án, hình ảnh camera thu giữ tại hiện trường.... nhằm chứng minh cho nội dung được ghi nhận cho chủ đề chính. Loại sơ đồ này thường được sử dụng cho mục đích báo cáo chứng minh hoặc khẳng định hành vi phạm tội của bị can, đưa ra các chứng cứ nồi bật để buộc tội cũng như đưa ra các chứng cứ gỡ tội để xem xét đánh giá.
Trên đây là một số loại sơ đồ tư duy thường được tác giả sử dụng trong xây dựng báo cáo các vụ án hình sự, mong được các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tham khảo, chia sẻ, cùng hướng tới xây dựng các sơ đồ tư duy có chất lượng, làm rõ bản chất của vụ án, giúp báo cáo án rõ ràng, linh hoạt, sinh động, dễ tiếp cận, dễ hiểu./.
Khánh Trần