Vướng mắc khi giải quyết các vụ án “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”

Qua trình áp dụng Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Qua nghiên cứu một số vụ án về tội “ Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự, thấy rằng hiện đang có những quan điểm khác nhau khi xử lý đối với loại tội phạm này.

Đồng chí Đinh Viết Sơn, Viện trưởng VKSND thị xã Nghi Sơn phát biểu tham luận tại một Hội nghị Liên ngành

Thứ nhất, về việc xác định số tiền thu lợi bất chính

Ví dụ : Ngày 01/01/2024, A tiêu thụ tài sản là 01 chiếc xe mô tô của B (chiếc này do B trộm cắp mà có - A biết rõ đây là tài sản do B trộm cắp) với giá 10.000.000đ, sau đó A đem bán cho người khác với giá 12.000.000đ. Chiếc xe mô tô mà A tiêu thụ theo kết luận định giá tài sản có giá trị là 30.000.000đ.

Quan điểm thứ nhất: Số tiền mà A thu lợi bất chính được xác định là số tiền thực tế bị can được hưởng chênh lệch sau khi đã đem đi bán là 2.000.000đ nên hành vi của A phạm tội theo khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm thứ hai: Số tiền A thu lợi bất chính được xác định là số tiền mà cơ quan định giá tài sản đã định giá trừ đi số tiền A đã bỏ ra để mua là 20.000.000đ nên hành vi của A phạm tội theo khoản 2 Điều 323 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp A chưa bán chiếc xe mô tô trên cho người khác mà bị cơ quan chức năng phát hiện thì cũng có những quan điểm khác nhau về việc xác định số tiền thu lợi bất chính. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Do A vẫn chưa tiêu thụ được chiếc xe mô tô trên nên trong trường hợp này A chưa thu lợi bất chính.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, số tiền A thu lợi bất chính là giá trị của chiếc xe khi đã được định giá tài sản là 30.000.000đ.

Thứ hai, xác định số tài sản, vật phạm pháp khi thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội

Ví dụ: Ngày 01/01/2024, A tiêu thụ tài sản là 01 chiếc xe mô tô của B với giá 30.000.000đ, sau đó A đem bán cho người khác với giá 32.000.000đ. Ngày 02/01/2024, A lại tiếp tục tiêu thụ 01 chiếc xe mô tô của B với giá 35.000.000đ, sau đó A đem bán cho người khác với giá 38.000.000đ. Ngày 04/01/2024, A lại tiếp tục tiêu thụ tài sản là 01 chiếc xe mô tô của B với giá 32.000.000đ, sau đó A đem bán với giá 35.000.000đ. Tất cả 03 lần tiêu thụ trên, A đều biết những chiếc xe mô tô trên đều do B trộm cắp mà có.

Quan điểm thứ nhất: Khi xác định số tài sản mà A tiêu thụ do người khác phạm tội mà có phải cộng dồn những lần A thực hiện hành vi phạm tội để xác định khung khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A. Vì vậy, trong trường hợp trên A phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 323 Bộ luật Hình sự và A vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.

Quan điểm thứ hai: Bộ luật Hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất kỳ quy định nào cho phép cộng dồn giá trị vật phạm pháp của các lần tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự nên hành vi của A chỉ cấu thành khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự và A bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.

Chính vì có những quan điểm khác nhau như trên nên dẫn đến việc xử lý, đấu tranh với loại tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gặp nhiều khó khăn, vụ án phải kéo dài. Vì vậy, kiến nghị liên ngành tư pháp Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo hướng:

Một là, cần hướng dẫn quy định cụ thể để xác định số tiền thu lợi bất chính đối với đối tượng thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Theo quan điểm cá nhân của người viết, số tiền thu lợi bất chính là số tiền mà đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thực tế được hưởng sau khi đã tiêu thụ tài sản. Trong trường hợp chưa tiêu thụ được tài sản thì đối tượng tiêu thụ chưa được hưởng lợi nên không được tính là thu lợi bất chính.

Hai là, cũng cần có hướng dẫn thống nhất liên ngành về xác định số tài sản, vật phạm pháp khi thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội. Qua nghiên cứu, có thể thấy rằng tội “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là một hệ quả tất yếu do nhóm tội xâm phạm sở hữu gây ra và là một hình thức tội phạm này làm phát sinh tội phạm khác, nên cần phải sớm có biện pháp để ngăn chặn mối quan hệ “cộng sinh” giữa nhóm tội xâm phạm sở hữu với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có này. Chính vì vậy, theo quan điểm của người viết, để đấu tranh một cách triệt để đối với loại tội phạm này, khi đối tượng thực hiện nhiều lần hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cần cộng dồn giá trị số tài sản, vật phạm pháp và số tiền thu lợi bất chính những lần thực hiện hành vi phạm tội./.

Quỳnh Nguyễn