Nguyễn Phương T phạm tội gì?

Định tội danh chính xác giúp giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, tránh được oan, sai; làm cơ sở cho việc áp dụng hình phạt và các biện pháp ngăn chặn, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Dưới đây là một vụ án cụ thể và một số quan điểm khác nhau xung quanh việc định tội danh.

Ảnh minh họa: Một phiên tòa hình sự

Nội dung vụ án tóm tắt như sau:

Nguyễn Phương T tham gia nhóm xe ghép trên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm người có nhu cầu đi xe. Giữa tháng 8/2023, T điều khiển xe ôtô nhãn hiệu Kia Morning đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội đón khách. Đi đến đoạn đường cao tốc Pháp Vân thì gặp chị M đang đứng chờ bắt xe khách. Chị M và T thống nhất thỏa thuận chờ M về Nghệ An với giá 1.000.000 đồng. Khi đi được nửa đường thì T dừng xe ở trạm nghỉ cao tốc để chị M đi vệ sinh. Lúc này T thấy 01 điện thoại IPhone 12 Pro, màu xanh, 128Gb của chị M để trên xe nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. T nổ máy điều khiển xe chạy để chiếm đoạt chiếc điện thoại. Chị M thấy T lái xe đi nên gọi điện đến chiếc IPhone 12 pro thì T tắt nguồn. Chiếc Iphone 12 Pro của chị M trị giá 10.000.000 đồng.

Về tội danh của T, hiện có 03 quan điểm như sau:

- Quan điểm thứ nhất: T phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS bởi lẽ T đã có hành vi lén lút, bí mật đối với chị M khi chị M không chú ý, để quên điện thoại trên xe nên T đã điều khiển xe ô tô di chuyển nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, dấu hiệu thứ hai trong cấu thành tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu chiếm đoạt được thể hiện ở đây là T đã dịch chuyển được tài sản trộm cắp là chiếc điện thoại ra khỏi sự kiểm soát của người chủ tài sản, cho nên tội phạm đã hoàn thành.

- Quan điểm thứ hai: T phạm tội “Cướp giật tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 171 BLHS bởi lẽ: Sau khi phát hiện chiếc điện thoại Iphone 12 Pro chị M để trên xe, T đã điều khiển xe ô tô đi để nhanh chóng chiếm đoạt chiếc điện thoại trên và nhanh chóng tẩu thoát tránh sự phản kháng, truy đuổi của chị M là chủ sở hữu tài sản.

- Quan điểm thứ ba: T phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 172 BLHS bởi lẽ: T đã lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu tài sản là chị M khi để điện thoại trên xe, lợi dụng hoàn cảnh của chủ sở hữu tài sản khi đó đang đi vào nhà vệ sinh không có trên xe nên không có khả năng ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản. Việc chị M để quên điện thoại trên xe là do vô tình không nằm trong tính toán của T, việc dừng xe để chị M đi vệ sinh cũng là khách quan không phải sự sắp đặt sẵn của T nhằm chiếm đoạt tài sản; ý định chiếm đoạt tài sản của T nảy sinh khi nhìn thấy chị M để quên điện thoại trên xe khi xuống đi vệ sinh. Chị M mặc dù nhìn thấy T điều khiển xe chạy đi mang theo tài sản của mình nhưng không thể làm được gì. Bản thân T cũng nhận thức được rằng chị M là chủ sở hữu tài sản không có điều kiện, khả năng để ngăn cản việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình.

Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ ba. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp về tình huống này./.

Hà Đức Bình