Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 173 BLHS?
Thực tiễn giải quyết tội “Trộm cắp tài sản” đã phát sinh vướng mắc trong trường hợp đối tượng có hành vi trộm cắp liên tục, kế tiếp nhau về thời gian, trong đó có lần đủ định lượng phạm tội, có lần không đủ định lượng. Xin trao đổi cùng bạn đọc.
Nội dung vụ án:
Ngày 02/5/2022 Nguyễn Văn A (chưa có tiền án, tiền sự) trộm cắp tài sản trị giá 20.000.000đ; ngày 04/5/2022 trộm cắp tài sản giá trị 10.000.000đ; ngày 10/5/2022 trộm cắp tài sản 1.500.000đ; ngày 12/5/2022 trộm cắp tài sản 1.700.000đ; ngày 18/5/2022 trộm cắp tài sản giá trị 17.000.000đ.
Về xác định giá trị tài sản để định khung hình phạt, hiện có nhiều quan điểm:
Quan điểm 1: Trong vụ án này, Nguyễn Văn A phạm tội liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian (trong thời gian 16 ngày có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác 05 lần) nên ngoài việc cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt của các lần trộm cắp có giá trị trên 2.000.000 đồng thì cần cộng cả giá trị tài sản của các lần chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự và xác định khung hình phạt đối với A (theo tinh thần Thông tư liên tịch số 02 ngày 25/12/2001 của TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương tác tội phạm xâm phạm sở hữu của BLHS 1999). Cụ thể tổng giá trị tài sản của 05 lần chiếm đoạt của Nguyễn Văn A là: 20.000.000đ + 10.000.000đ + 1.500.000đ + 1.700.000đ + 17.000.000đ = 50.200.000 đồng. A phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 173 BLHS do tổng giá trị tài sản trên 50.000.000 đồng.
Quan điểm 2: Trong vụ án này, Nguyễn Văn A mặc dù phạm tội liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, tuy nhiên trong 05 lần xâm phạm sở hữu đó đã có 03 lần xâm phạm sở hữu có giá trị tài sản trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, do vậy chỉ cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt của các lần trộm cắp có giá trị trên 2.000.000 đồng để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự và xác định khung hình phạt đối với Nguyễn Văn A. Những lần chiếm đoạt không đủ mức tối thiểu để truy cứu TNHS sẽ ra Quyết định xử lý hành chính. Cụ thể giá trị tài sản của 03 lần Nguyễn Văn A chiếm đoạt là: 20.000.000đ + 10.000.000đ + 17.000.000đ = 47.000.000 đồng. A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 173 BLHS do tổng giá trị tài sản dưới 50.000.000 đồng.
Tác giả bài viết là đồng tình với Quan điểm 2, tức là chỉ được cộng những lần phạm tội mà giá trị tài sản đủ để truy cứu TNHS (trên 2.000.000đ) để xác định trách nhiệm hình sự đối với A, còn những lần xâm phạm mà giá trị tài sản chưa đủ mức tối thiểu để truy cứu TNHS thì có thể xem xét xử lý hành chính, cụ thể trong vụ án này tổng giá trị tài sản của 03 lần Nguyễn Văn A chiếm đoạt là: 20.000.000đ + 10.000.000đ + 17.000.000đ = 47.000.000 đồng. Do vậy A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 173 BLHS do tổng giá trị tài sản dưới 50.000.000 đồng.
Việc cộng giá trị tài sản của những lần phạm tội dưới 2.000.000đ theo tinh thần Thông tư liên tịch số 02 chỉ áp dụng trong trường hợp trộm liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian nhưng không có lần nào giá trị tài sản đủ để truy cứu TNHS. Mục đích của hướng dẫn tại mục 5 phần II Thông tư liên tịch số 02 ngày 25/12/2001 của TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP là để xử lý những đối tượng mặc dù trộm cắp tài sản có giá trị nhỏ nhưng hành vi diễn ra thường xuyên, liên tục, trong thời gian dài (có cả những trường hợp lấy việc trộm cắp làm nguồn sống chính) gây bức xúc, bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự trị an mà chế tài xử lý vi phạm hành chính không đủ sức răn đe, giáo dục.
Để giải quyết vấn đề này, đề nghị liên ngành Trung ương cần nghiên cứu, ban hành văn bản mới thay thế cho Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương các tội phạm xâm phạm sở hữu của BLHS 2015./.
Nguyễn Mai