Xác định tội danh đối với tội ma tuý- Một số vấn đề cần trao đổi
Trong thực tiễn, việc xác định tội danh trong vụ án hình sự đối với nhóm tội về ma túy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, dễ dẫn đến xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Xin trao đổi cùng các đồng nghiệp.
Nội dung vụ án: Sáng ngày 06/6/2023, Doãn Văn T có nhu cầu mua ma túy, loại Heroine để bán kiếm lời nên gọi cho Đỗ Văn H để nhờ H dẫn đi mua ma túy trên huyện QS. T không nói mục đích mua ma túy về để bán cho H biết, hứa trả công cho H 500.000 đồng tiền dẫn đường. H thì nghĩ T mua ma túy về để sử dụng. Sau đó, T đi xe máy đến nhà đón H. H cũng có nhu cầu mua ma túy về sử dụng nên muốn bán điện thoại để lấy tiền, nhờ T chở đi bán nhưng không được giá cao. Thấy vậy, T hỏi mua với giá 700.000 đồng thì H đồng ý. T đưa số tiền 1.200.000 đồng (500.000 đồng tiền công và 700.000 đồng tiền mua điện thoại) cho H. T điều khiển xe theo chỉ dẫn của H đi từ huyện TX đến huyện QS, đi sâu vào đường vành đai biên giới hai nước Việt Nam - Lào, vào bản và gặp một người phụ nữ không rõ tên, tuổi hỏi mua ma túy. H đưa số tiền 1.200.000 đồng, T đưa số tiền 4.000.000 đồng. Người phụ nữ đó nhận tiền và lấy ma túy tương ứng với số tiền đưa cho H và T. Trên đường về, có người gọi T hỏi mua ma túy thì lúc này, H mới biết T mua ma túy về để bán. Khi H và T về đến huyện TX thì bị bắt quả tang. Kết quả giám định, số ma túy của T là 8,554g, loại Heroine với mục đích để bán; số ma túy của H là 2.997g, loại Heroine với mục đích để sử dụng.
1. Về xác định tội danh của H, hiện có 02 quan điểm như sau:
* Quan điểm thứ nhất: H vừa phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS, vừa phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với vai trò đồng phạm giúp sức cho T theo điểm i khoản 2 Điều 251 BLHS. Bởi vì, H được T trả công 500.000 đồng, chỉ dẫn T đến chổ có ma túy để mua. Nếu không có H thì T không thể đi mua ma túy được. Việc T mua ma túy về để bán, buộc H phải biết vì đây là hàng cấm, không phụ thuộc H có biết mục đích T mua ma túy về để bán hay không.
* Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tôi: H chỉ phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đối với số ma túy đã mua (2.997g) và đối với số ma túy của T mua (8,554g) theo điểm g khoản 2 Điều 249 BLHS. Bởi vì:
- Thứ nhất: Tại mục 3.3, Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 của liên ngành tư pháp về hướng dẫn áp dụng một số quy định về các tội phạm ma túy quy định: “Người người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy … đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy”.
Tuy nhiên, tại Điều 9, Dự thảo Nghị quyết số 02 năm 2023 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thêm quy định mới đó là: “Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy cần phân biệt: Người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm”.
- Thứ hai: Tại câu số 18, tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong Hội nghị tập huấn công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự của vụ 7, vụ 14 VKSND tối cao trả lời câu hỏi của VKSND thành phố Hà Nội đó là:
Câu hỏi: “Trường hợp một người có hành vi mua ma túy hộ người khác để lấy tiền công thì bị xử lý về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” hay tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”?.
Trả lời: Trường hợp chứng minh được người mua ma túy hộ người khác nhận thức rõ việc mua hộ là để cho người khác bán lại thì người mua hộ đồng phạm với người nhờ mua hộ về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 BLHS. Trường hợp chứng minh rõ người mua ma túy hộ chỉ để hưởng tiền công thì họ bị xử lý về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” nếu định lượng ma túy đủ để xử lý theo quy định tại Điều 249 BLHS.
Trong vụ án trên, H không phải là người giữ hộ, người vận chuyển, người mua hộ ma túy. H là người được T trả tiền công và trực tiếp dẫn T đi mua ma túy vì nghỉ T mua ma túy về để sử dụng. T cũng không nói mục đích từ đầu là đi mua ma túy về để bán cho H biết. Đến khi hoàn thành việc mua bán ma túy, trên đường về, T mới nói cho H biết mục đích mua được ma túy về để bán kiếm lời. Như vậy, việc T mua ma túy về để bán, để tổ chức sử dụng hay thực hiện các hành vi khác, trong quá trình điều tra không chứng minh được ý thức chủ quan của H biết rõ ngay từ đầu việc T nhờ đi mua ma túy là để về bán.
2. Về xác định tội danh của T, hiện có 02 quan điểm như sau:
* Quan điểm thứ nhất: T vừa phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm i khoản 2 Điều 251 BLHS, vừa phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” với vai trò đồng phạm giúp sức cho H theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS. Bởi vì, nguồn tiền H đi mua ma túy là của T. T biết việc H cũng đi mua ma túy về sử dụng nên đã mua điện thoại của H với số tiền 700.000 đồng. H đã dùng số tiền này để mua ma túy về sử dụng. Đồng thời, T là người điều khiển xe chở H lên huyện QS để mua ma túy.
* Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tôi: T chỉ phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với số ma túy đã mua (8,554g, loại Heroine) theo điểm i khoản 2 Điều 251 BLHS. Bởi vì:
- Thứ nhất: Việc T mua điện thoại của H chỉ là giao dịch dân sự. Mặc dù T biết H sẽ dùng số tiền này để mua ma túy nhưng vì muốn H nhanh chóng dẫn đường. Hơn nữa, T cũng đang cần điện thoại để sử dụng, H cũng cần bán điện thoại. H không bán cho T thì sẽ bán cho người khác.
- Thứ hai: Tổng số tiền T đưa cho H là 1.200.000 đồng, bao gồm 500.000 đồng tiền công và 700.000 đồng tiền mua điện thoại. Khi mua ma túy, H mua cả số tiền 1.200.000 đồng. Như vậy, không thể chứng minh tờ tiền nào là tiền công, tờ tiền nào là tiền giúp sức và không thể tách riêng phần H mua ma túy (2.997g, loại Heroine) tương ứng với số tiền 700.000 đồng là bao nhiêu.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với hai trường hợp xác định tội danh trong vụ án trên. Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp./.
Tiến Dũng