Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng Điều 306 BLHS
Trong thực tiễn, việc điều tra, xử lý “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự còn có nhiều vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tội danh này.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm”.
Bộ luật hình sự nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Thực tiễn áp dụng Điều 306 Bộ luật hình sự kể từ khi Bộ luật hình sự có hiệu lực pháp luật gặp khó khăn, vướng mắc vì các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 306 “Vật phạm pháp có số lượng lớn” và điểm a, khoản 3 Điều 306 “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn” chưa được hướng dẫn cụ thể vật phạm pháp có số lượng bao nhiêu thì được coi là có số lượng lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.
Để giải quyết vấn đề trên, ngày 09/9/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn:
- Theo khoản 5 Điều 2: “5. Súng săn” là súng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. (khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20/6/2017, quy định: “3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”).
- Theo khoản 7, 8 Điều 4: “7. Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 của Bộ luật Hình sự:
a) Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng;
b) Vật phạm pháp khác có số lượng lớn theo quy định của pháp luật.
8. “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 306 của Bộ luật Hình sự:
a) Từ 101 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
b) Vật phạm pháp khác có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn theo quy định của pháp luật”.
Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 đã hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết các điều 304, 305, 307 và 308 Bộ luật hình sự. Đặc biệt là Điều 304 Bộ luật hình sự, các tình tiết định khung tại điểm g, khoản 2 “Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn”, được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP: “Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 của Bộ luật Hình sự: a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 03 đến 10 khẩu; b) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 301 đến 1.000 viên…”.
Hướng dẫn các tình tiết định khung tăng nặng tại các điểm b, khoản 2 Điều 306 “Vật phạm pháp có số lượng lớn” và điểm a, khoản 3 Điều 306 “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn”, Nghị quyết số 03 /2022/NQ-HĐTP hướng dẫn số lượng tính bằng “đơn vị súng săn”. Tuy nhiên hiểu thế nào là một “đơn vị súng săn”, hiện nay có hai quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất: Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20/6/2017, quy định: “3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”. Do đó, 01 khẩu súng kíp, hoặc 01 khẩu súng hơi được tính là một “đơn vị súng săn” và 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi cũng được tính là một “đơn vị súng săn”. Khoản 7, Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP đã hướng dẫn: “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 của Bộ luật Hình sự: a) Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn…”.
Từ đó, nếu có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt từ 11 đến 100 khẩu súng kíp hoặc súng hơi hoặc từ 11 đến 100 viên đạn sử dụng cho các loại súng kíp hoặc súng hơi thì phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 306 Bộ luật hình sự “Vật phạm pháp có số lượng lớn”.
- Quan điểm thứ hai: (Tác giả đồng ý với quan điểm này). Do khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20/6/2017, quy định: “3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”, không phải quy định “bao gồm: súng kíp, súng hơi hoặc đạn sử dụng cho các loại súng này”.
Vì vậy, không thể coi 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi là một “đơn vị súng săn được”. Nếu hiểu như vậy thì mặc nhiên coi 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi bằng 01 khẩu súng kíp hoặc súng hơi là bất hợp lý.
Hơn nữa nếu so sánh thì khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP: “Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 của Bộ luật Hình sự: a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 03 đến 10 khẩu; b) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 301 đến 1.000 viên…”. Theo đó, 301 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống mới tương đương 03 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên. Do đó, không thể coi 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi bằng 01 khẩu súng kíp hoặc súng hơi được.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay, hiểu thế nào là một “đơn vị súng săn” cần được Liên ngành tư pháp Trung ương giải thích, hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong thực tiễn./.
Lê Minh Huệ - Viện trưởng VKSND huyện Yên Định