Vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại đối với đơn khiếu nại của người tố giác tội phạm trong tố tụng hình sự

Đăng ngày 04 - 03 - 2024
100%

Các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự đã ngày càng được hoàn thiện, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, một số quy định về giải quyết khiếu nại trong Bộ luật tố tụng hình sự (viết tắt là BLTTHS) còn chưa thống nhất, có nhiều cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của các ngành tư pháp Trung ương. Trong đó có trường hợp đơn khiếu nại của ông Lê Hồng S.

Ảnh: Thanh tra VKSND tỉnh Thanh Hóa làm việc Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện

        Nội dung vụ việc: Ông Lê Hồng S. trú tại huyện HT, tỉnh Thanh Hoá gửi Đơn tố giác ông Trần Văn Ng (Chủ tịch UBND xã YD) có hành vi chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước. Sau thụ lý giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm theo đơn của ông S, Cơ quan CSĐT Công an huyện HT đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Không đồng ý, ông S. làm đơn khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện HT. Cơ quan CSĐT Công an huyện HT có thụ lý đơn của ông S để giải quyết theo trình tự, thủ tục đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp (quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng hình sự) hay không?

        Hiện có 02 quan điểm về giải quyết đơn khiếu nại của ông S:

        Quan điểm thứ nhất: Ông S là người tố giác tội phạm, nên theo quy định tại khoản 2 Điều 158 BLTTHS thì ông S có quyền khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện HT nhưng “Thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại phải thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII”. Vì vậy, quy định tại khoản 2 Điều 158 BLTTHS là quy định chung, còn quy định tại Chương XXXIII là quy định cụ thể.                                                                                     Theo quy định tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng hình sự (Chương XXXIII) quy định: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”.

        Trong trường hợp này, ông S chỉ là người tố giác tội phạm, không có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ việc; quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT huyện HT không tác động, không xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông S. Theo quy định tại khoản 1 Điều 469 BLTTHS, thì ông S không có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT huyện HT. Vì vậy, không thụ lý giải quyết đối với đơn khiếu nại của ông S.

        Quan điểm thứ hai: Theo quy định tại khoản 2 Điều 158 BLTTHS thì ông S là người tố giác tội phạm nên ông S có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Mặc dù ông S không có quyền lợi hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 469 BLTTHS nhưng để đảm bảo quyền khiếu nại cho công dân, mặt khác, nếu vụ việc đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật thì giải quyết khiếu nại của ông S chỉ là hình thức để ban hành quyết định giải quyết khiếu nại bác đơn khiếu nại của ông...Việc thụ lý giải quyết đơn của ông S có tác dụng tránh việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

        Quan điểm của tác giả: Tác giả có quan điểm trùng với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ: Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền này nhưng việc khiếu nại, tố cáo phải trong khuôn khổ pháp luật. Các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân không thể tuỳ tiện mà cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, ông S không thuộc chủ thể có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 469 BLTTHS nên không thụ lý giải quyết đơn của ông S theo trình tự giải quyết đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXXIII Bộ luật TTHS. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an huyện HT có thể ban hành văn bản trả lời một số nội dung nêu trong đơn của ông S khi xét thấy cần thiết.

        Từ vụ việc trên, tác giả thấy Liên ngành tư pháp trung ương cần có sự hướng dẫn về việc áp dụng quy định khoản 2 Điều 158 và khoản 1 Điều 469 BLTTHS để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật./.

<

Tin mới nhất

VKSND huyện Thọ Xuân: Sinh hoạt chuyên đề định kỳ về công tác kiểm sát giải quyết án dân sự (07/10/2024 10:33 SA)

Trao đổi về bài viết “Nguyễn Phương T phạm tội gì?”(26/07/2024 8:58 SA)

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên theo lời dạy của Bác Hồ: “Công...(25/07/2024 8:42 SA)

Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng Điều 306 BLHS(17/06/2024 8:35 SA)

Vướng mắc trong việc giải quyết vụ, việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài(05/04/2024 4:34 CH)

Xác định tội danh đối với tội ma tuý- Một số vấn đề cần trao đổi(18/03/2024 11:07 SA)

Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 173 BLHS?(11/03/2024 3:27 CH)

Nguyễn Phương T phạm tội gì?(11/03/2024 3:24 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
260 người đã bình chọn
°
2655 người đang online