Biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong Tố tụng hình sự và vấn đề thẩm quyền trưng cầu giám định của Tòa án

Đăng ngày 08 - 03 - 2024
100%

Tóm tắt: Bài viết bàn về căn cứ, thẩm quyền và trách nhiệm trưng cầu giám định pháp y tâm thần để làm cơ sở áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại giai đoạn xét xử của Tòa án với góc độ là một hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thuộc thẩm quyền của Tòa án từ đó đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật.

Ảnh minh hoạ: Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Đặt vấn đề

 Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là một trong các thủ tục đặc biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây gọi tắt là Bộ luật TTHS năm 2015). Theo đó, tùy từng giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) có trách nhiệm phải thực hiện trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự của người đó trước, trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để làm căn cứ tiếp tục thực hiện các hoạt động của tiến trình tố tụng hình hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bênh.

Trong bài viết, trên cơ sở nghiên cứu các quy định tại Chương XXX của Bộ luật TTHS năm 2015, đối chiếu với thẩm quyền xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án, tác giả phân tích và đưa ra sự chưa thống nhất trong quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y tâm thần trong giai đoạn xét xử của Tòa án và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

1. Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là một trong các thủ tục đặc biệt được quy định tại Chương XXX, phần thứ 7 quy định về các thủ tục đặc biệt trong Bộ luật TTHS năm 2015 tại các điều từ 447 đến Điều 452.

Theo đó, căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp chữa bệnh được quy định tại Điều 447 như sau: 1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. 2. Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.”

Điều 21 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nội dung điều luật thể hiện “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, theo các quy định trên đây, khi có căn cứ xác định rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự) thì tùy từng giai đoạn tố tụng mà Cơ quan điều tra (trong giai đoạn điều tra vụ án), Viện kiểm sát (trong giai đoạn truy tố), Tòa án (trong giai đoạn xét xử) phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo đó trước, trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để làm căn cứ xác định bị can, bị cáo có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.

Đồng thời, trên cơ sở kết quả Kết luận giám định pháp y về tâm thần của cơ quan có thẩm quyền giám định xác định về tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án sẽ có thẩm quyền thực hiện các hành vi, ban hành quyết định tố tụng quy định tại các điều 449, 450 và 451 của Bộ luật TTHS năm 2015.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra và truy tố thuộc Viện kiểm sát đang thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án. Nếu vụ án đã được Tòa án thụ lý thì việc áp dụng biện pháp chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Tòa án.

2. Bàn về thẩm quyền trưng cầu giám định của Tòa án liên quan đến việc áp dụng thủ tục bắt buộc chữa bệnh

Giai đoạn xét xử là một giai đoạn trong quá trình tố tụng vụ án hình sự sau khi Cơ quan điều tra đã tiến hành các biện pháp điều tra và ban hành Kết luận điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để xem xét, quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử bằng việc ban hành Cáo trạng truy tố hoặc quyết định truy tố nếu áp dụng thủ tục rút gọn. Giai đoạn xét xử bắt đầu từ khi Tòa án nhận hồ sơ vụ án và thụ lý vụ án.

Cùng với quy định về căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp chữa bệnh được tại Điều 447, tại khoản 1 Điều 451 vẫn tiếp tục khẳng định về việc sau khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Và theo cách thể hiện của điều luật thì đây thuộc trường hợp trưng cầu giám định lần đầu.

 Căn cứ vào kết luận giám định, Tòa án có thể ra một trong những quyết định từ điểm a đến điểm d, khoản 2 của Điều 451 Bộ luật TTHS năm 2015.

Mặc dù thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định tại phần thứ 7, thủ tục đặc biệt tại Bộ luật TTHS năm 2015 nhưng về nguyên tắc thì những quy định này phải phù hợp với các quy định khác về thẩm quyền của Tòa án trong Bộ luật TTHS năm 2015.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật TTHS năm 2015 thì tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Việc xác định người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự hay không là vấn đề phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 85 của Bộ luật TTHS năm 2015. Nếu hồ sơ vụ án chuyển đến Tòa án mà thiếu chứng cứ này mà không thể bổ sung được tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử phải quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Mặt khác, trưng cầu giám định là một trong các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án theo quy định tại khoản 5 Điều 252 nhưng việc trưng cầu giám định này phải ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tại Điều 206 của Bộ luật TTHS năm 2015.

Như vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 252 của Bộ luật TTHS năm 2015, trong hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thì Tòa án không có thẩm quyền trưng cầu giám định lần đầu để xác định tình trạng tâm thần của bị cáo mà chỉ được quyết định trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại về tình trạng tâm thần của bị cáo theo quy định tại Điều 210 và Điều 211 của Bộ luật TTHS năm 2015.

Mặt khác, khoản 6 Điều 252 của Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”. Quy định này đã góp phần thể hiện sự kiểm soát giữa cơ quan thực hiện quyền tư pháp với cơ quan hoạt động tư pháp. Để phù hợp với các quy định tại Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, bảo đảm cho Tòa án thực hiện đầy đủ quyền tư pháp để bảo vệ công lý thì Tòa án phải kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng hình sự từ khi khởi tố đến khi tuyên án. Do đó, khi Tòa án đã yêu cầu bổ sung chứng cứ mà Viện kiểm sát chưa đáp ứng được yêu cầu bổ sung thì Tòa án phải có quyền tự xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án để giải quyết vụ án.

Theo quy định này thì chỉ khi Tòa án đã yêu cầu bổ sung chứng cứ mà Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Quy định này hoàn toàn phù hợp với việc phân định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.

Với những phân tích trên đây, việc quy định thẩm quyền và trách nhiệm trưng cầu giám định pháp y tâm thần của Tòa án tại giai đoạn xét xử vụ án, khi có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự là không phù hợp với quy định về thẩm quyền xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án tại Điều 252 của Bộ luật TTHS năm 2015.

3. Kiến nghị

Để hoàn thiện quy định về thẩm quyền trưng cầu giám định pháp y tâm thần của tòa án trong giai đoạn xét xử, liên quan đến việc áp dụng thủ tục bắt buộc chữa bệnh, cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 447 và khoản 1 Điều 451 của Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:

Đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại theo quy định tại Bộ luật này” vào cuối khoản 1 Điều 447 như sau:

Điều 447. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần hoặc trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại theo quy định tại Bộ luật này”.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 451 như sau:

“Điều 451. Quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử

1. Sau khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung để trưng cầu giám định pháp y tâm thần hoặc Tòa án trưng cầu giám đinh bổ sung, giám định lại theo quy định tại Điều 252 của bộ luật này.

4. Kết luận

Bộ luật TTHS năm 2015 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự. Trong đó bao gồm thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trải qua quá trình thi hành trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự và nghiên cứu của tác giả, nhận thấy có vướng mắc liên quan đến căn cứ, thẩm quyền và trách nhiệm trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị can, bị cáo làm cơ sở cho việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án tại Điều 447, 451 và thẩm quyền xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án quy định tại Điều 252 của Bộ luật TTHS năm 2015.

Việc các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện quy định tại các Điều trên đây của Bộ luật TTHS năm 2015 đảm bảo tính khoa học, phù hợp với việc phân định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 và khả năng thực thi quy định trong quá trình áp dụng vào thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự./.

<

Tin mới nhất

VKSND huyện Thọ Xuân: Sinh hoạt chuyên đề định kỳ về công tác kiểm sát giải quyết án dân sự (07/10/2024 10:33 SA)

Trao đổi về bài viết “Nguyễn Phương T phạm tội gì?”(26/07/2024 8:58 SA)

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên theo lời dạy của Bác Hồ: “Công...(25/07/2024 8:42 SA)

Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng Điều 306 BLHS(17/06/2024 8:35 SA)

Vướng mắc trong việc giải quyết vụ, việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài(05/04/2024 4:34 CH)

Xác định tội danh đối với tội ma tuý- Một số vấn đề cần trao đổi(18/03/2024 11:07 SA)

Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 173 BLHS?(11/03/2024 3:27 CH)

Nguyễn Phương T phạm tội gì?(11/03/2024 3:24 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
260 người đã bình chọn
°
2736 người đang online