Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính tại địa phương cho thấy việc kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính còn gặp những vướng mắc, khó khăn do quy định của pháp luật chưa thực sự hợp lý, xin trao đổi cùng độc giả.
- Tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên: Tại Khoản 2 Điều 25 Luật tố tụng hành chính quy định“Viện kiểm sát kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định tòa án; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị kháng nghị theo pháp luật”. Tuy nhiên tại Khoản 1 Điều 156 Luật tố tụng hành chính lại quy định về việc có mặt của Kiểm sát viên:“ Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử”, quy định như thế này sẽ rất bất cập và vướng mắc cho Kiểm sát viên khi tham gia tố tụng sẽ không kiểm sát được diễn biến tại phiên tòa để có quan điểm về tố tụng cũng như nội dung vụ án.
- Về gửi bài Phát biểu của Kiểm sát viên: Điều 190, 240 Luật tố tụng hành chính quy định: "Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án" là không phù hợp với thực tiễn xét xử. Bởi vì phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa là văn bản pháp lý, thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án diễn biến trực tiếp tại phiên tòa, tại phiên tòa đương sự có thể rút bớt yêu cầu khởi kiện, cung cấp thêm tài liệu.... Do đó, Bản phát biểu ý kiến của kiểm sát viên có thể bị chỉnh sửa về nội dung và hình thức cho phù hợp với diễn biến tại phiên tòa và phải được đóng dấu của Viện kiểm sát nên việc gửi bản phát biểu ngay sau khi kết thúc phiên tòa là không mang tính khả thi.
- Về thời hạn gửi quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: Theo quy định tại khoản 5 Điều 229 Luật tố tụng hành chính, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 244 Luật tố tụng hành chính về gửi bản án, quyết định phúc thẩm quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho các đương sự, Viện kiểm sát và Tòa án đã giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp”. Như vậy, quy định về thời hạn gửi quyết định phúc thẩm không thống nhất dẫn đến khó khăn cho việc kiểm sát về thời hạn gửi quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án của Tòa án.
- Về phạm vi tranh tụng của Kiểm sát viên: Theo quy định của luật tố tụng hành chính, chủ thể tranh tụng chủ yếu là các đương sự, tại phiên tòa kiểm sát viên chỉ thực hiện việc hỏi các đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác về những vấn đề còn mâu thuẫn, chưa thống nhất hoặc cần làm rõ một số tình tiết, chứng cứ mới trong vụ án chứ không tranh luận, đối đáp với đương sự (khoản 2 Điều 184 Luật tố tụng hành chính). Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và về việc giải quyết vụ án trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ vụ án đã được kiểm tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy phạm vi tranh tụng của kiểm sát viên rất hạn chế trong kiểm sát giải quyết án hành chính.
- Quy định về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát: Khoản 6, khoản 8 Điều 43 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định quyền kiến nghị của Viện kiểm sát đối với Tòa án và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc thực hiện kiến nghị của Tòa án cũng như các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chỉ thể hiện qua các văn bản trả lời. Trên thực tế, có nhiều trường hợp Viện kiểm sát đã kiến nghị nhưng Tòa án, hoặc các cơ quan, tổ chức vẫn lặp lại những vi phạm cũ.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi Luật tố tụng hành chính để khắc phục các nội dung còn bất cập nói trên./.