Cụm thi đua số 3 Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy” trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát Nhân dân, ngày 08/8/2024, tại Trung tâm chính trị thị xã Nghi Sơn, Cụm thi đua số 3 - VKSND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy” trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024.
Page Content
Tham gia cuộc thi có 7 đội thi là các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên làm nghiệp vụ hiện đang công tác tại VKSND huyện, thị gồm: Thị xã Nghi Sơn, huyện Như Xuân, huyện Triệu Sơn, huyện Thọ Xuân, huyện Như Thanh, huyện Nông Cống và huyện Thường Xuân.
Trên cơ sở 01 vụ án hình sự cụ thể do Ban Tổ chức lựa chọn đã được số hóa, các đội thi sẽ tiến hành vẽ sơ đồ tư duy trên cơ sở một vụ án có sẵn trong thời gian 240 phút và đề xuất hướng giải quyết vụ án. Buổi chiều, các đơn vị thuyết trình vụ án bằng sơ đồ tư duy. Đây là phần thi để các thí sinh báo cáo toàn bộ kết quả sơ đồ tư duy đã xây dựng ở phần thi trước, đồng thời cũng là cơ hội để các thí sinh thể hiện khả năng trình bày, ứng xử linh hoạt trước những tình huống xảy ra trong quá trình báo cáo và trả lời những câu hỏi từ Ban giám khảo. Qua phần thuyết trình, khán giả được theo dõi nhiều sơ đồ tư duy lôgic, bao quát được các nội dung của vụ án và thể hiện rõ nét được ý tưởng của người báo cáo, từ đó giúp cho người nghe dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ các nội dung được báo cáo.
Kết thúc Cuộc thi, Ban tổ chức trao giải Nhất cho VKSND huyện Thọ Xuân; Giải nhì cho VKSND huyện Triệu Sơn; Trao đồng giải Ba cho VKSND huyện Như Xuân và thị xã Nghi Sơn; 3 giải khuyến khích cho VKSND huyện Như Thanh, Nông Cống và Thường Xuân.
Hai đội thi đạt giải Nhất và Nhì sẽ tiếp tục vào vòng trong để thi với các đơn vị thuộc VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu chỉ đạo cuộc thi, đồng chí Lê Đức Tùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chỉ ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình thiết lập sơ đồ tư duy. Đồng thời nhấn mạnh việc ứng dụng sơ đồ tư duy vào hoạt động chuyên môn là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm mà Ngành đã đề ra.
Cuộc thi là dịp để các Kiểm sát viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay./.
Nguyễn Quỳnh