Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân huyện Thọ Xuân vì có vi phạm trong công tác xét xử các vụ án hình sự.

Đăng ngày 24 - 08 - 2022
100%

Thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, VKSND tỉnh Thanh Hóa xét thấy một số bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Thọ Xuân chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, cần phải xem xét, xử lý theo quy định. Cụ thể:

1. Xác định “tiền sự” của bị cáo không chính xác

           1.1. Bản án sơ thẩm số 40/2022/HS-ST ngày 27/7/2022, xét xử các bị cáo Trịnh Minh Mạnh, Sằm Văn Thọ về hành vi  “Đánh bạc” ngày 08/02/2022, theo khoản 1 Điều 321 BLHS.

          Bản án xác định Trịnh Minh Mạnh và Sằm Văn Thọ có tiền sự: 

+ Ngày 24/10/2019, Trịnh Minh Mạnh bị Công an huyện Thọ Xuân phạt tiền 1.250.000đ về hành vi “đánh nhau”, ngày 14/4/2022 mới nộp phạt.

+ Ngày 14/07/2017, Sằm Văn Thọ bị Công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xử phạt 750.000 đ về hành vi “đánh nhau”, ngày 21/4/2022 mới nộp phạt.

1.2. Bản án sơ thẩm số 45/2022/HS-ST ngày 28/7/2022, xét xử bị cáo Phạm Văn Quê về hành vi “trộm cắp tài sản” ngày 11/4/2022 và 16/4/2022 theo khoản 1 Điều 173 BLHS.

    Bản án xác định Phạm Văn Quê có tiền sự: 

+ Ngày 20/12/2016, Phạm Văn Quê bị Công an phường B’ Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “trộm cắp tài sản”, mức phạt 1.500.000đ, Quê chưa chấp hành.

    1.3. Xét thấy: Trịnh Minh Mạnh, Sằm Văn Thọ và Phạm Văn Quê kể từ ngày bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền đến ngày phạm tội đã quá 2 năm. Trong khoảng thời gian đó, các bị cáo không có vi phạm hành chính khác, không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành. Vì vậy không bị coi là cố tình trì hoãn, trốn tránh việc thi hành. Vì vậy, theo quy định tại Điều 7, Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Trịnh Minh Mạnh, Sằm Văn Thọ và Phạm Văn Quê thuộc trường hợp không bị coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

    Văn bản số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của VKSND tối cao hướng dẫn nội dung này như sau:

“3. Hành vi “cố tình trốn tránh, trì hoãn” theo quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được xác định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội; trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Khoản 2 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương”. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt và không thuộc các trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền; giảm, miễn tiền phạt theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì phải bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các điều 86, 87 và 88 Luật này. Do vậy, cá nhân, tổ chức bị xử phạt chỉ bị coi là cố tình trốn tránh, trì hoãn việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật (bao gồm cả việc ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thi hành việc cưỡng chế theo các điều 86, 87 và 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) mà vẫn không thi hành; đồng thời, cố tình tìm cách trốn tránh, trì hoãn việc chấp hành quyết định đó như tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành... Nếu hết thời hạn quy định người bị xử phạt không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt không có bất kỳ biện pháp nào buộc người bị xử phạt phải chấp hành quyết định đó thì không thuộc trường hợp người bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định”.

    Do đó, 02 bản án sơ thẩm nêu trên xác định các bị cáo Trịnh Minh Mạnh, và Sằm Văn Thọ, Phạm Văn Quê có “tiền sự” là không đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, gây bất lợi cho các bị cáo.

    2. Vi phạm giới hạn của việc xét xử

Bản án sơ thẩm số 45/2022/HS-ST ngày 28/7/2022, xét xử bị cáo Phạm Văn Quê về hành vi “trộm cắp tài sản” ngày 11/4/2022 và 16/4/2022 theo khoản 1 Điều 173 BLHS (Đã dẫn ở Mục 1):

    Phạm Văn Quê thực hiện 02 hành vi trộm cắp: Ngày 11/4/2022, trộm cắp tài sản trị giá 6.375.000 đồng; ngày 16/4/2022, trộm cắp tài sản trị giá 1.500.000 đồng. Cơ quan điều tra, VKSND huyện Thọ Xuân xác định Phạm Văn Quê không có “tiền sự” (Hành vi trộm cắp tài sản bị xử phạt hành chính ngày 20/12/2016 xác định là nhân thân) nên đã xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản trị giá 1.500.000 đồng ngày 16/4/2022.

    Mặc dù VKSND huyện Thọ Xuân không truy tố đối với hành vi trộm cắp tài sản ngày 16/4/2022 của Phạm Văn Quê, tuy nhiên, bản án sơ thẩm nói trên vẫn xét xử Phạm Văn Quê về hành vi này và áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

    Việc xét xử hành vi mà Viện kiểm sát không truy tố đã vi phạm khoản 1 Điều 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Khoản 1 Điều 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”.

    Đối với các bị cáo bị xét xử ở 02 vụ án nêu trên, tuy có vi phạm nhưng mức án của các bị cáo phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội nên không cần thiết phải kháng nghị phúc thẩm.

          Với những vi phạm nêu trên,        Yêu cầu Chánh án TAND huyện Thọ Xuân kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, điều kiện để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra vi phạm tương tự, báo cáo việc thực hiện kiến nghị đến VKSND tỉnh Thanh Hóa trong thời hạn 15 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Tố tụng Hình sự./.

<

Tin mới nhất

TAND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện Bá Thước sửa bản án hôn nhân gia đình về...(22/01/2025 3:09 CH)

Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Thanh Hóa tuyên sửa bản án chia di sản...(22/01/2025 2:55 CH)

VKS Yên Định thực hiện kiểm sát việc bán đấu giá tài sản đảm bảo thi hành án, thu hồi nợ xấu cho...(21/01/2025 5:10 CH)

Tin hoạt động VKSND huyện Nga Sơn, Cẩm Thủy, Bá Thước(21/01/2025 5:07 CH)

Tin hoạt động VKSND huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc, Mường Lát, Bá Thước(21/01/2025 4:35 CH)

Các địa phương tăng cường truy quét, xử lý tội Buôn bán hàng cấm và Sản xuất hàng giả dịp Tết...(21/01/2025 4:34 CH)

VKSND huyện Thọ Xuân phê chuẩn Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với các đối...(13/01/2025 8:52 SA)

Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc...(10/01/2025 4:41 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
263 người đã bình chọn
°
565 người đang online