Sinh hoạt chuyên đề “Nhận diện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án”
Mới đây, VKSND huyện Cẩm Thủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 10 với chủ đề: “Nhận diện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án”. Đồng chí Võ Minh Toàn, Viện trưởng VKSND huyện Cẩm Thủy dự và chủ trì buổi sinh hoạt.
Page Content
Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Võ Minh Toàn, Viện trưởng VKSND huyện Cẩm Thủy đã đánh giá khái quát kết quảcông tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự trong thời gian qua tại đơn vị, từ đó nêu ra những ưu điểm và một số vi phạm của Tòa án trong thời gian qua chưa được phát hiện kịp thời như: Việc tiếp nhận đơn, thông báo tiếp nhận đơn chưa kịp thời, xác định sai quan hệ tranh chấp... Qua đó, đồng chí Viện trưởng đã đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự trong thời gian tới, tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị, hạn chế đến mức thấp nhất án hủy có trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Phần thảo luận, đơn vị đã đưa ra hai bản án Tòa án vừa giải quyết có cùng quan hệ tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” để các kiểm sát viên, công chức có ý kiến thảo luận.
Vụ thứ nhất: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, buộc bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm.
Vụ thứ hai: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, áp dụng điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án buộc nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án căn cứ khoản 3 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự để thụ lý giải quyết vụ án. Căn cứ khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.”; điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn”.
Do đó yêu cầu “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thì nguyên đơn phải chịu án phí. Tòa án áp dụng điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 buộc nguyên đơn phải chịu án phí là đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của đơn vị: Tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” là tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn …”. Do đó, chỉ vụ án có yêu cầu giải quyết ly hôn thì nguyên đơn mới phải chịu án phí. Đối với các yêu cầu như: Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; Tranh chấp về cấp dưỡng … cùng là tranh chấp về hôn nhân và gia đình nhưng không giải quyết yêu cầu ly hôn. Do đó đối với tranh chấp về “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án buộc bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Viện trưởng đánh giá nội dung sinh hoạt chuyên đề tháng 10 mang tính thực tiễn cao gắn với thực trạng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giúp kiểm sát viên nhận diện được vi phạm, từ đó từ đó từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự./.
Trần Dương