Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa báo cáo công tác tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Đăng ngày 09 - 07 - 2024
100%

Sáng 08/7/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã dự phiên khai mạc. Tại phiên khai mạc, đồng chí Lê Văn Đông, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của VKSND tỉnh Thanh Hóa. Trang tin VKSND tỉnh Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo của đồng chí Viện trưởng tại kỳ họp.

Đồng chí Lê Văn Đông, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa  trình bày báo cáo

Kính thưa: Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội;

Kính thưa các Quý vị đại biểu;

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp;

Kính thưa các vị đại biểu Quốc Hội và Hội đồng nhân dân tỉnh;

Thưa cư tri và nhân dân trong tỉnh.

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa báo cáo tình hình tội phạm và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 01/12/2023 đến ngày 31/5/2024) như sau:

I. TÌNH HÌNH TỘI PHẠM, VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

1. Tình hình tội phạm

Sáu tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm có giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Đã phát hiện khởi tố 1.180 vụ, 2.358 bị can (giảm 79 vụ, 208 bị can so với cùng kỳ - tương ứng giảm 6,3% về số vụ và 8,1% về số bị can), trong đó:

- Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia: Khởi tố 01 vụ (tăng 01 vụ);

- Tội phạm trong lĩnh vực trật tự xã hội, trật tự quản lý hành chính: Khởi tố 465 vụ, 1.161 bị can (giảm 66 vụ, 222 bị can);

- Tội phạm về kinh tế và xâm phạm sở hữu, tội phạm về môi trường: Khởi tố 395 vụ, 571 bị can (giảm 23 vụ, tăng 15 bị can).

- Tội phạm về ma tuý: Khởi tố 302 vụ, 577 bị can (tăng 03 vụ, giảm 26 bị can);

- Tội phạm về tham nhũng, chức vụ: Khởi tố 15 vụ, 45 bị can (tăng 08 vụ, 27 bị can);

- Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp: Khởi tố 02 vụ, 04 bị can (giảm 02 vụ, 02 bị can).

Tính chất, mức độ hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, phức tạp; một số loại tội phạm đáng chú ý:

Tội phạm giết người có xu hướng giảm, đã phát hiện khởi tố 19 vụ, 30 bị can (giảm 16 vụ, 13 bị can). Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt hoặc các đối tượng và bị hại thường có sử dụng rượu bia, sử dụng hung khí nguy hiểm đã chuẩn bị sẵn, đâm vào các vị trí là vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, cổ, ngực, bụng bị hại gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (tín dụng đen) tăng 33 vụ, 23 bị can, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và sự hám lợi, lòng tham của một bộ phận người dân để huy động vốn với số tiền lớn, lãi suất cao dưới các hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, tham gia họ, hụi, vay trên ứng dụng app... Việc sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, trong đó thủ đoạn sử dụng việc phát tán các hình ảnh, thông tin nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đi vay trên môi trường mạng khiến việc đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc giảm 13 vụ, 62 bị can nhưng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, công cụ, phương tiện sử dụng ngày càng hiện đại. Bên cạnh những hình thức đánh bạc truyền thống thì phát sinh loại tội phạm đánh bạc trên không gian mạng và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát với quy mô rất lớn. Chỉ cần có mạng internet, vào trang web đánh bạc rất dễ tìm, làm theo hướng dẫn là có thể đánh bạc trực tuyến ở bất kỳ khu vực, lãnh thổ nào.

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các hình thức lừa đảo về tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử, giả danh cơ quan công quyền để lừa đảo qua điện thoại và các mạng xã hội.

Tội phạm về ma túy tuy giảm về số vụ nhưng tăng về số bị can, tội phạm thực hiện với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Việc mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép chất ma túy được các đối tượng chia làm nhiều công đoạn, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, móc nối với nhau thông qua mạng xã hội, ngoài việc thu giữ số lượng ma túy lớn còn thu giữ cả vũ khí nóng. Tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang có xu hướng chuyển địa điểm hoạt động từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự sang thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư… gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ.

Nguyên nhân: Do công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn thiếu sót, sơ hở; hệ thống pháp luật vẫn có vướng mắc, bất cập, có nhiều quy định chưa được bổ sung kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; mâu thuẫn và bạo lực gia đình có phần gia tăng, đạo đức xã hội chưa được phát huy đúng mức; ý thức cảnh giác tự bảo vệ của nhiều người còn hạn chế, chủ quan, sơ hở bị tội phạm lợi dụng. Bên cạnh đó, mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội Zalo, Facebook..., ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh có yếu tố bạo lực, đồi trụy... làm tính chất của tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh.

2. Tình hình vi phạm trong hoạt động tư pháp

Nhìn chung, các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm (trong báo cáo đã nêu cụ thể đối với từng cơ quan).

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Tổng số tố giác, tin báo về tội phạm 1.769 tin, đã giải quyết 1.311 tin; tạm đình chỉ 81 tin.

Viện kiểm sát hai cấp tiến hành kiểm sát trực tiếp 42 cuộc về thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; ban hành 1.765 yêu cầu kiểm tra, xác minh, 40 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, 23 kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

2. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự

Tổng số bắt, giữ hình sự là 1.336 người (giảm 63 người); đã giải quyết 1.306 người, trong đó chuyển khởi tố hình sự 1.305 người (đạt 99,9%).

Viện kiểm sát hai cấp thụ lý THQCT và kiểm sát điều tra 2.135 vụ, 3.822 bị can. CQĐT đã giải quyết 1.423 vụ, 2.523 bị can (trong đó kết thúc điều tra đề nghị truy tố 1.247 vụ, 2.431 bị can - đạt 87,6%);

Viện kiểm sát thụ lý thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố 1.250 vụ, 2.269 bị can (tăng 99 vụ, 165 bị can); đã giải quyết 1.230 vụ, 2.374 bị can (đạt 98,4%), trong đó quyết định truy tố 1.225 vụ, 2.366 bị can (đạt 99,6%).

Hai cấp ban hành 2.293 yêu cầu điều tra, yêu cầu CQĐT khởi tố 10 vụ, 27 bị can; ban hành 32 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm, 35 kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm.

Viện kiểm sát hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.643 vụ, 3.380 bị cáo. Tòa án đã giải quyết 1.273 vụ, 2.541 bị cáo. Thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm 224 vụ, 355 bị cáo; đã giải quyết 189 vụ, 307 bị cáo. Trong số các vụ án do Viện kiểm sát kháng nghị, Tòa án chấp nhận kháng nghị đạt 92%.

Hai cấp ban hành 28 kiến nghị yêu cầu Toà án khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử, 04 kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Nổi bật trong kiến nghị phòng ngừa là Viện trưởng VKSND tỉnh đã ban hành 01 kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm có hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen và 01 kiến nghị đến Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cấp giấy tờ, thủ tục liên quan đến đất đai, đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra tại các Văn phòng đăng ký đất đai và cán bộ, viên chức Văn phòng đăng ký đất đai trên toàn tỉnh về việc thực hiện, chức năng, nhiệm vụ.

3. Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Hai cấp đã kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, buồng tạm giam và Trại tạm giam 66 lần; kiểm sát đột xuất nhà tạm giữ, buồng tạm giam 02 lần; ban hành 03 yêu cầu tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam. Kiểm sát việc tạm giữ đối với 1.336 người, kiểm sát tạm giam 3.114 trường hợp. Viện kiểm sát đã ban hành 01 kháng nghị, 48 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam.

Tổng số bị án thuộc trách nhiệm của Tòa án hai cấp phải ra quyết định thi hành án và Tòa án đã ra quyết định đối với 2.046/2.046 trường hợp (đạt 100%). Tổng số người đang thi hành án 25.560 trường hợp; đã giải quyết 4.978 trường hợp. Tiến hành kiểm sát việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với 7.418 phạm nhân, qua công tác kiểm sát đã kiến nghị đưa ra khỏi danh sách 18 trường hợp không đủ điều kiện xét giảm. Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện 10 trường hợp, đề nghị đưa ra khỏi danh sách xét rút ngắn thời gian thử thách đối với án treo 09 trường hợp.

Viện kiểm sát hai cấp đã tiến hành kiểm sát trực tiếp 29 lượt tại cơ quan thi hành án hình sự, 206 lượt tại các cơ quan, tổ chức, chính quyền xã, phường, thị trấn về thi hành án. VKSND tỉnh kiểm sát trực tiếp việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù 07 lượt/04 trại giam thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn;

Yêu cầu cơ quan Công an áp giải 01 trường hợp đi chấp hành án, ban hành 01 kháng nghị, 166 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong thi hành án hình sự.

4. Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự

Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án 86 đơn; tham gia 08 phiên họp giải quyết khiếu nại của đương sự về việc trả lại đơn khởi kiện.

Thụ lý kiểm sát theo thủ tục sơ thẩm 549 vụ án hành chính, 5.998 vụ, việc dân sự (tăng 73,2% án hành chính, giảm 4% vụ việc dân sự so với năm 2023); đã giải quyết 3.714 vụ, việc; tạm đình chỉ 160 vụ, việc. Thụ lý kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm 174 vụ; Toà án đã giải quyết 141 vụ.

Hai cấp kiểm sát đã ban hành 121 yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, 15 kháng nghị phúc thẩm, 58 kiến nghị yêu cầu Tòa án hai cấp khắc phục vi phạm, 26 kiến nghị phòng ngừa VPPL. Báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm 02 vụ.

5. Kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính

Viện kiểm sát hai cấp tiến hành kiểm sát trực tiếp 30 cuộc tại cơ quan thi hành án dân sự; ban hành 09 yêu cầu cơ quan THADS tự kiểm tra, cung cấp tài liệu; kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 60 trường hợp; trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án 409 trường hợp, tham gia 22 phiên họp xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án.

Qua công tác kiểm sát đã ban hành 03 kháng nghị, 49 kiến nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

6. Công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Tổng số lượt tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo tại VKSND hai cấp là 128 lượt. Tiếp nhận, phân loại và xử lý 750 đơn/750 việc - đạt 100%, trong đó, có 18 đơn, 18 việc thuộc thẩm quyền (đơn khiếu nại - tăng 05 đơn so với cùng kỳ năm 2023); đã giải quyết 18 đơn, 18 việc (đạt 100%). Tiến hành 108 cuộc kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp; 02 yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo; 01 yêu cầu các cơ quan ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo.            

Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát ban hành 14 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

III. CÔNG TÁC PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh đã bám sát và tuân thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát, phối hợp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ trong hoạt động công tác kiểm sát, công tác xây dựng Ngành. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện tăng cường lãnh đạo đối với các đơn vị VKSND cấp huyện; tăng cường làm việc với cấp ủy, chính quyền cấp huyện để được quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với hoạt động công tác của VKSND cấp huyện.

Phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự năm 2023; VKS chủ trì xét chọn 152 vụ án trọng điểm; phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức 34 phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc Hội, 412 phiên tòa rút kinh nghiệm (gồm: 275 phiên tòa hình sự, 137 phiên tòa dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại). Thường xuyên phối hợp với MTTQ hai cấp thực hiện công tác kiểm sát, giám sát trong hoạt động thi hành án hình sự và thi hành án dân dự trên địa bàn.

Tóm lại: Sáu tháng đầu năm 2024, tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của VKSND tối cao, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tiến hành tố tụng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát được tăng cường, nổi bật như:

- Hai cấp kiểm sát đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội và VKSND tối cao giao (tính cho 6 tháng), có 51 chỉ tiêu vượt yêu cầu đề ra, 21 chỉ tiêu có tỷ lệ đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

- Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả giải quyết án được nâng cao, đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm thuộc trường hợp phải bồi thường hoặc Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên không phạm tội. Các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, án trọng điểm cơ bản được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.

- Chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, xác định và thực hiện nhiều nội dung trọng tâm, đột phá. Do đó, chất lượng các khâu công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tiếp tục được nâng lên.

- Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hữu quan tiếp tục được tăng cường.

- Công tác tổ chức cán bộ thực sự tạo chuyển biến tích cực, là khâu công tác trọng tâm, then chốt, đáng chú ý là việc đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường chú trọng, đổi mới.

- Công tác bảo đảm điều kiện hoạt động của VKSND hai cấp được quan tâm, chú trọng. Thực hiện đột phá, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung đẩy mạnh và đạt hiệu quả.

Về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

Tồn tại, hạn chế:

- Hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở một số đơn vị chưa cao, chất lượng các các khâu công tác chưa toàn diện; trong công tác kiểm sát, một số đơn vị chưa tập trung phát hiện được vi phạm để ban hành kiến nghị, kháng nghị, do đó số lượng kiến nghị, kháng nghị chưa nhiều, chưa phản ánh đầy đủ thực tế hoạt động công tác kiểm sát.

- Công tác phối hợp trong hoạt động công tác ở một số đơn vị VKSND cấp huyện với các cơ quan liên quan có lúc, có việc chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân:

- Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự chủ động sâu sát trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; chưa kịp thời đề ra các phương pháp đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong hoạt động công tác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị địa phương.

- Tinh thần trách nhiệm của một số Kiểm sát viên, công chức chưa cao; chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT  

1. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường giám sát hoạt động công tác của các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

2. Thực hiện giám sát chuyên đề về thực trạng tình hình vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em và vi phạm, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

3. Tăng cường giám sát hoạt động quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện nhằm đấu tranh loại bỏ các ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

4. Tăng cường giám sát về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cấp giấy tờ, thủ tục liên quan đến đất đai (điển hình là giám sát trình tự, thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình…); giám sát về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động công chứng, chứng thực trong lĩnh vực dân sự trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết những khiếu kiện hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai.

VKSND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát theo quy định và kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, MTTQ các Ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh để VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và nhiệm vụ chính trị địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn Quý vị!

<

Tin mới nhất

VKSND huyện Triệu Sơn phát động quyên góp ủng hộ nhân dân miền bắc bị thiệt hại do bão số 3(18/09/2024 9:57 SA)

VKSND huyện Nông Cống: Ứng dụng sơ đồ tư duy Xmind trong tổ chức sinh hoạt chuyên đề dân sự định kỳ.(18/09/2024 9:53 SA)

Nga Sơn: Viện kiểm sát phối hợp cùng Cơ quan CSĐT Công an huyện tổ chức Hội nghị giao ban công...(18/09/2024 9:43 SA)

Ứng dụng sơ đồ tư duy trong việc tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải...(16/09/2024 5:07 CH)

VKSND huyện Triệu Sơn tiến hành trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng đợt...(16/09/2024 10:26 SA)

VKSND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị công bố và trao các quyết định về công tác cán bộ và Hội...(13/09/2024 8:48 SA)

Công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND huyện Vĩnh Lộc(04/09/2024 10:45 SA)

Liên ngành tư pháp huyện Bá Thước ký kết Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, hành...(04/09/2024 10:36 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
253 người đã bình chọn
°
1864 người đang online