Ngày 31/7/2024, tại VKSND thành phố Thanh Hóa, Cụm thi đua số 4 VKSND tỉnh Thanh Hoá tổ chức Cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong ngành Kiểm sát nhân dân” năm 2024. Dự và chỉ đạo Cuộc thi có các đồng chí lãnh đạo VKSND tỉnh, đại diện Ban tổ chức Cuộc thi VKSND tỉnh và đại diện Hội luật gia thành phố Thanh Hóa.
Tham gia cuộc thi có 7 đội thi là các Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên, chuyên viên làm nghiệp vụ hiện đang công tác tại VKSND các huyện, thành phố gồm: thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn và Thiệu Hóa.
Theo kế hoạch tổ chức cuộc thi, các đội trải qua 2 phần thi, gồm: Xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy và Thuyết trình. Đối với phần thi xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, đề thi được copy vào USB, phát cho mỗi đội thi và hoàn thành trong thời gian 240 phút. Bài dự thi là Báo cáo đề xuất giải quyết trong giai đoạn truy tố bằng sơ đồ tư duy, được thể hiện đầy đủ các nội dung cơ bản của vụ án; có tính logic, khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ; trình bày đẹp mắt, sáng tạo. Phần thi Thuyết trình, các Đội sẽ thuyết trình Sơ đồ tư duy, báo cáo án đã lưu trong USB và trả lời những câu hỏi của Ban giám khảo.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội thi của VKSND huyện Đông Sơn, giải Nhì cho Đội 1 VKSND thành phố Thanh Hóa, 02 giải Ba cho VKSND thành phố Sầm Sơn và VKSND huyện Hoằng Hóa, giải Khuyến khích cho các đội thi còn lại.
Hai đội thi đạt giải Nhất và Nhì sẽ tiếp tục vào vòng trong để thi với các đơn vị thuộc VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu chỉ đạo cuộc thi, đồng chí Lê Đức Tùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chỉ ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình thiết lập sơ đồ tư duy. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng sơ đồ tư duy vào hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, đưa các tài liệu chứng cứ vào sơ đồ tư duy đề xuất truy tố sẽ giúp đánh giá chứng cứ đầy đủ, khách quan, tránh sai sót, bỏ qua các tình tiết của vụ án. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm mà Ngành đã đề ra.
Thông qua cuộc thi, giúp các Kiểm sát viên trong Cụm thi đua trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, tích cực sôi nổi trong việc nghiên cứu, tự học tập, tự đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, từ đó nâng cao tính hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay./.