Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án và bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2024/KDTM-ST ngày 22/8/2024 về “Tranh chấp hợp đồng xây lắp và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và Đô thị VACC, địa chỉ tầng 2 số 115 Phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội và Bị đơn Công ty TNHH Điện tử - Tin học -Viễn thông EITC, địa chỉ số 25 và 39 đường Lê Lợi, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. VKSND thành phố Sầm Sơn đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 01/KN-VKS-KDTM ngày 05/9/2024 , đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm xử theo hướng sửa bản án KDTM sơ thẩm …

Nội dung vụ án: Ngày 28/7/2010, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và đô thị VACC (viết tắt là Công ty VACC) ký hợp đồng số 28/07/2010-HĐXL (viết tắt là Hợp đồng xây lắp số 28/HĐXL) với Công ty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn thông EITC (viết tắt là Công ty EITC) để thực hiện xây dựng công trình Trung tâm thương mại Great Dragon Hotel Sầm Sơn có địa chỉ tại số 25 Lê Lợi, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn). Công ty EITC là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm khảo sát địa chất, đánh giá tác động môi trường, ép cọc nền móng, thiết kế giám sát thi công, lập biên bản hiện trạng các nhà liền kề công trình trước khi thi công và cung cấp vật tư: sắt, ximăng, cát sỏi, bê tông cho toàn bộ công trình.
Để thực hiện hợp đồng trên, Công ty VACC đã ký hợp đồng số 08/2010/HĐKT ngày 15/8/2010 với Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Lập (viết tắt là Công ty Hoàng Lập) để thuê thiết bị thi công ép, rút cừ thép LARSSEN VI xây dựng tầng hầm tại Toà nhà Trung tâm thương mại Great Dragon Hotel.
Theo biên bản bàn giao giữa Công ty VACC và Công ty Hoàng Lập, từ ngày 21/5/2011 đến 4/6/2012, Công ty Hoàng lập đã thu hồi được 350 cây cọc cừ. Số còn lại nằm tại công trình là 235 cọc cừ không thu hồi được. Hiện tại Công ty VACC đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi số cọc cừ này, nhưng đều không có hiệu quả do sự bất hợp tác nhằm trốn tránh trách nhiệm của Chủ đầu tư là Công ty EITC. Việc xác định lỗi của Công ty EITC là nguyên nhân không thể thu hồi được số cọc cừ còn lại tại công trình.
Yêu cầu Tòa án: Tuyên buộc Công ty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn thông EITC phải thu hồi toàn bộ tài sản là số cọc cừ còn nằm lại công trình nêu trên để trả lại cho Công ty VACC, đồng thời bồi thường cho Công ty VACC những thiệt hại phát sinh trong thời gian Công ty VACC không thu hồi được số cọc cừ nói trên.
Ngày 03/8/2023, Tòa án đã thụ lý yêu cầu độc lập của Công ty Hoàng Lập, với nội dung: yêu cầu Công ty EITC chịu trách nhiệm với Công ty VACC về 235 cọc cừ giá trị 2.927.000.000đ và tiền thuê cọc cừ từ 02/6/2012 đến ngày 30/12/2014 là 5.290.000.000đ. Tổng 02 khoản là 8.217.000.000đ và đề nghị Tòa tuyên buộc Công ty VACC phải chuyển giao số tiền này trực tiếp từ Công ty EITC cho Công ty Hoàng Lập. Tại buổi hòa giải ngày 06/3/2024 Công ty Hoàng Lập đề nghị rút một phần yêu cầu độc lập, đề nghị Toà án giải quyết: Buộc Công ty EITC bồi thường 235 cọc cừ còn lại ở công trình có giá trị là 2.927.000.000đ và tiền thuê 235 cọc cừ với giá trị 900.000đ/cọc/ngày, (2568m cọc cừ x 2.200đ/ngày x 540 ngày, từ tháng 6/2012 đến 12/2014 là 3.050.784.000đ để phù hợp với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tổng giá trị yêu cầu bồi thường là 5.978.304.000đ và đề nghị tòa tuyên cho Công ty Hoàng Lập được nhận số tiền bồi thường trên.
Bản án Kinh doanh thương mại số 04/2024/KDTM-ST ngày 22/8/2024 của TAND thành phố Sầm Sơn: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và đô thị VACC. Buộc Công ty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn thông EITC phải bồi thường 50% giá trị thiệt hại về số ngày thuê 2.573,4m cọc cừ, từ ngày 02/6/2013 đến hết tháng 12/2014 là 540 ngày cho Công ty cổ phần tư vấn xây dựng dân dụng và đô thị VACC, tương đương số tiền 1.525.392.000đ.
Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hoàng Lập về số tiền phát sinh thuê cọc cừ là 3.050.784.000đ. Buộc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng dân dụng và đô thị VACC phải thanh toán 50% giá trị thiệt hại về số ngày thuê 2.573,4m cọc cừ từ ngày 02/6/2013 đến hết tháng 12/2014 là 540 ngày cho Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hoàng Lập, tương đương số tiền 1.525.392.000đ.
Số tiền 1.525.392.000đ mà Công ty EITC phải bồi thường cho Công ty VACC được giao trực tiếp cho Công ty Hoàng Lập.
Không chấp nhận đối với yêu cầu của nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty Hoàng Lập về bồi thường giá trị 235 cây cọc cừ.
Tuy nhiên, Bản án của cấp sơ thẩm đã có những vi phạm như sau:
- Việc chấp nhận một phần yêu cầu có mâu thuẫn với nội dung không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn và Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Tại mục 5.1 phần Nhận định của Bản án yêu cầu bồi thường giá trị 235 cây cọc cừ còn nằm lại công trình số tiền là 2.927.000.000đ. Về số lượng cọc cừ còn lại trong lòng đất tại công trình được các bên thống nhất tại biên bản thẩm định ngày 23/6/2016 (BL 786-788) là 235 cây. Tuy nhiên, tại biên bản định giá ngày 07/12/2016 ghi nhận vì số lượng cọc cừ còn lại nằm trong lòng đất nên Hội đồng định giá theo thông tin do nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty Hoàng Lập cung cấp: “Chiều dài cọc cừ không đều nhau, lấy chiều dài bình quân của cọc cừ là 10,9m/cọc, về chất lượng có 100 cọc mới và 135 cọc cũ đã qua sử dụng” để định giá là thiếu khách quan, không đảm bảo độ chính xác, không có căn cứ để xác định chính xác giá trị thiệt hại, vì vậy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với giá trị của 235 cọc cừ.
Nhận định và phán quyết Toà án như vậy là không khách quan và mâu thuẫn với nội dung được Toà án chấp nhận, vì: các đương sự (gồm cả bị đơn) đã thống nhất với nội dung và số lượng cọc cừ còn nằm lại đến ngày 23/6/2016 là 235 cây; đồng thời tại buổi định giá, Hội đồng định giá đã thống nhất biểu quyết giá trị của 235 cây cọc cừ tại từng thời điểm (bị đơn không đồng ý với buổi định giá, do Nhà thầu không rút cọc cừ). Tuy nhiên, sau khi có kết quả định giá là ngày 07/12/2016 đến nay, phía Bị đơn không có khiếu nại về kết quả định giá và cũng không có yêu cầu định giá lại giá trị của 235 cọc cừ để đảm bảo quyền lợi của mình. Nhưng Bản án lại không chấp nhận việc định giá, từ đó không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của Công ty Hoàng Lập là không có căn cứ, không đảm bảo quyền lợi của Công ty Hoàng Lập.
Trong khi đó, căn cứ kết quả thẩm định ngày 23/6/2016 của Toà án, Toà án đã xác định được số lượng cọc cừ còn nằm lại ở lòng đất không rút lên được là 235 cây, độ dài cọc cừ được tính bằng mét (m), giá trị thuê cọc cũng được tính: (độ dài cọc cừ (m) x giá tiền VNĐ/m x số ngày thuê cọc). Từ kết quả này Toà án đã chấp nhận số ngày thuê của 235 cây cọc cừ và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
- Vi phạm không đình chỉ một phần đơn yêu cầu độc lập khi Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút một phần yêu cầu độc lập
Ngày 18/7/2023 Công ty Hoàng Lập có đơn yêu cầu độc lập buộc Công ty cổ phần xây dựng dân dụng và đô thị VACC và Công ty EITC bồi thường cho Công ty Hoàng Lập số tiền giá trị của 235 cọc cừ và giá trị tiền thuê cọc cừ Larssen theo hợp đồng số 08/2010/HĐKT ngày 15/5/2010 và phụ lục số 10/2010/PLHĐKT ngày 29/10/2010 và được Tòa án chấp nhận thụ lý đơn.
Tại biên bản hòa giải ngày 06/3/2024 và tại phiên tòa, ông Huỳnh Công Lưu đại diện Công ty Hoàng Lập trình bày: Để phù hợp với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Công ty Hoàng Lập rút một phần yêu cầu độc lập, đề nghị Toà án giải quyết: yêu cầu bồi thường trị giá 235 cây cọc cừ bằng 2.927.520.000 đồng, tiền thuê 235 cọc cừ bằng 3.050.784.000 đồng. Tổng yêu cầu bồi thường là 5.978.304.000 đồng và đề nghị Tòa tuyên cho Công ty Hoàng Lập được nhận số tiền bồi thường trên. Như vậy, Công ty Hoàng Lập đã rút một phần đơn yêu cầu độc lập, số tiền đề nghị rút là 2.238.696.000đ.Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ một phần yêu cầu độc lập của Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với số tiền 2.238.696.000đ đã rút là vi phạm khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự.
- Vi phạm về tính án phí: Bản án tuyên không chấp nhận đối với yêu cầu của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về bồi thường giá trị 235 cây cọc cừ (Công ty Hoàng Lập yêu cầu bồi thường giá trị 235 cây cọc cừ là 2.927.000đ). Tuy nhiên, về phần án phí, Bản án không buộc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hoàng Lập phải chịu án phí sơ thẩm đối với phần yêu cầu không được Toà án chấp nhận (Bản án tuyên Công ty Hoàng Lập được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp 58.100.000đ) là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và khoản 6 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Khoản 6 Điều 26 Nghị quyết số 326 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận”.
Ngày 05/9/2024, VKSND thành phố Sầm Sơn ban hành kháng nghị một phần đối với bản án KDTM sơ thẩm số 04/2024/KDTM-ST ngày 22/8/2024 của TAND thành phố Sầm Sơn theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và đô thị VACC và Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hoàng Lập; đình chỉ một phần yêu cầu độc lập của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hoàng Lập đã rút và tính lại án phí sơ thẩm mà các đương sự trong vụ án phải chịu theo quy định của pháp luật.
Ngày 19/02/2025, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa phúc thẩm, chấp nhận sửa bản án sơ thẩm theo hướng kháng nghị của VKSND thành phố Sầm Sơn./.