Về việc nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất

Đăng ngày 19 - 02 - 2023
100%

Thực hiện Kế hoạch của VKSND tối cao, của Thường trực HĐND tỉnh về việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật gia Trương Quang Hải, Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự VKSND tỉnh Thanh Hóa có bài đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.

Thứ nhất: Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp, điều này làm hạn chế việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chưa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Đồng thời tại khoản 4 Điều 49 của Dự thảo quy định tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Chúng tôi thống nhất cao với phương án này, bởi vì vừa tạo điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát được việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa. 

Thứ hai: Điều 225 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân giải quyết, Ủy ban nhân dân các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết. Việc quy định như trên để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, đảm bảo tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật, một việc chỉ giao cho một cơ quan giải quyết, phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp của Nhà nước, thông lệ luật pháp quốc tế. 

Với thực tế kiểm sát việc giải quyết tranh chấp về đất đai hiện nay, chúng tôi cho rằng vẫn nên giữ quy định hiện hành đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân . Bởi vì giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân các cấp là biện pháp hợp lý để tháo gỡ những mâu thuẫn về tranh chấp đất đai trên cơ sở thỏa thuận. Việc hòa giải tại cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt tạo được sự thống nhất giữa các bên và hạn chế sự tốn kém, kéo dài thời gian, thuận lợi hơn cho các bên có tranh chấp. Mặt khác Nhà nước là chủ thể quản lý đất đai, vì vậy, việc tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy tờ để UBND giải quyết là phù hợp với chức năng quản lý đất đai của Nhà nước./.

 

<

Tin mới nhất

Chi hội Luật gia VKSND tỉnh Thanh Hóa tham dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri đóng góp...(28/02/2023 10:19 SA)

Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp(24/02/2023 2:05 CH)

Về việc nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất(19/02/2023 7:05 CH)

Về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)(14/02/2023 11:23 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
263 người đã bình chọn
°
862 người đang online