Trong 02 năm (2022-2023), trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn xảy ra 25 vụ việc tai nạn giao thông (có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Cơ quan điều tra) làm chết 25 người và 02 người bị thương. Tuy nhiên, chỉ thực hiện khám nghiệm được 22/25 tử thi (đạt tỷ lệ 88%), có 03 gia đình nạn nhân kiên quyết từ chối việc khám nghiệm tử thi, sau đó không xác định được nguyên nhân chết của nạn nhân, dẫn tới không khởi tố vụ án hình sự - Đây chính là một trong những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trên thực tiễn.
Tồn tại khó khăn, vướng mắc nêu trên là do một số nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, do một bộ phận người dân còn có nhận thức chưa đúng đắn, mê tín, phong tục lạc hậu (sợ người chết đau đớn, sợ kiếp sau người chết không được đầu thai, sợ gia đình gặp những điều không may mắn…) và cho rằng nạn nhân chết là do tai nạn giao thông đã rõ ràng nên kiên quyết từ chối việc khám nghiệm tử thi.
- Thứ hai, do tác động từ phía người gây tai nạn (gia đình người gây tai nạn) đã cùng với gia đình nạn nhân thỏa thuận trước phần bồi thường dân sự hoặc bị chính người gây tai nạn (gia đình họ) tạo sức ép, dụ dỗ, hứa hẹn nên dẫn tới việc không phối hợp và từ chối việc khám nghiệm tử thi.
- Thứ ba, xuất phát từ chính những người tiến hành tố tụng, khi tiến hành khám nghiệm tử thi, có mặt đại diện gia đình nạn nhân đã có những trao đổi chưa đầy đủ, giải thích chưa cặn kẽ để gia đình họ nhận thức được quy định của pháp luật. Đồng thời, có trường hợp chưa thể hiện tính kiên quyết trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi gia đình kiên quyết từ chối việc khám nghiệm tử thi thì chỉ hướng dẫn họ viết đơn từ chối và cam kết không có yêu cầu, khiếu nại gì về sau.
- Thứ tư, hiện nay quy định của pháp luật về khám nghiệm tử thi còn chưa quy định rõ việc “cưỡng chế bắt buộc khám nghiệm tử thi”, nên về nhận thức và áp dụng pháp luật trên thực tiễn của những người tiến hành tố tụng còn lúng túng, chưa thống nhất.
Việc không khám nghiệm tử thi là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới phát sinh vấn đề khiếu kiện sau này, không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị nạn và gia đình họ, là nguyên nhân của việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, đồng thời sẽ dẫn tới tình trạng pháp luật không được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất giữa các địa phương.
Thấy được những tồn tại hạn chế nêu trên, để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp như sau:
- Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Điều tra viên và Kiểm sát viên trong hoạt động khám nghiệm tử thi. Việc giải thích cho gia đình nạn nhân cần đúng quy định của pháp luật, cần nêu rõ quy định tại khoản 2, khoản 6 Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng chống tội phạm; Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” không thuộc các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Do đó, phải xác định việc khám nghiệm tử thi là bắt buộc, không phụ thuộc vào đề nghị, yêu cầu của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nếu người nhà nạn nhân kiên quyết cản trở hoặc chống đối thì giải thích và tiến hành việc cưỡng chế khám nghiệm tử thi.
- Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động khám nghiệm tử thi của các cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự bằng chính các hoạt động cụ thể trên thực tiễn và trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu, chấp hành các quy
- Ba là, chúng tôi đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật tại Điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự, theo đó bổ sung tại khoản 4 Điều 202 nội dung quy định:
“Trường hợp gia đình nạn nhân không đồng ý cho khám nghiệm tử thi thì các cơ quan có thẩm quyền phải giải thích, thuyết phục và giáo dục gia đình nạn nhân đồng ý. Nếu gia đình nạn nhân chống đối hoặc ngăn cản thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế bắt buộc khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật.
Trường hợp gia đình nạn nhân có khiếu nại sẽ được giải quyết theo quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự”./.