Vướng mắc trong việc giải quyết vụ, việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài

Đăng ngày 05 - 04 - 2024
100%

Quyền ly hôn là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Ly hôn và công nhận thuận tình ly hôn là việc Tòa án ra quyết định nhằm gỡ bỏ ràng buộc pháp lý giữa các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình. Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền duy nhất giải quyết việc ly hôn là Tòa án nhân dân và giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài là một trường hợp đặc thù về ly hôn có yếu tố nước ngoài. Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc này vẫn tồn tại khó khăn vướng mắc, xin trao đổi cùng bạn đọc.

Ảnh: Đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa chủ trì một hội nghị trực tuyến về công tác kiểm sát giải quyết án dân sự

Đối với các vụ án ly hôn, do gắn với quyền nhân thân nên bị đơn cần được biết về việc người vợ hoặc người chồng của mình đã nộp đơn lên tòa án để khởi kiện vụ án ly hôn. Tuy nhiên, do bị đơn đang ở nước ngoài mà nguyên đơn không thể cung cấp được địa chỉ thì Tòa án chỉ có thể đình chỉ do không tống đạt được thông báo thụ lý cho bị đơn theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tại Thanh Hoá, những năm qua công tác Kiểm sát giải quyết vụ án hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài cũng gặp dạng khó khăn, vướng mắc này. Số lượng vụ, việc ly hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng, đơn cử như năm 2023 toàn tỉnh thụ lý 39 việc, 172 vụ; riêng từ đầu năm 2024 đến nay thụ lý 11 việc và 68 vụ. Trước đây, muốn giải quyết những vụ án ly hôn mà không rõ địa chỉ của bị đơn, Tòa án phải thông qua thủ tục yêu cầu giải quyết việc dân sự “Tuyên bố một người mất tích”, sau đó mới có căn cứ để giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, một số trường hợp khi xác minh thì người nhà vẫn báo là có liên lạc được với bị đơn, như vậy không thể tuyên bố người đó là mất tích, vì vậy cũng không thể giải quyết được việc ly hôn. Điều này dẫn đến quyền và lợi ích chính đáng của 1 bên bị xâm phạm nghiêm trọng.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc này Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 về việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ. Theo đó, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn, không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ tin tức của bị đơn cho tòa; cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn, cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa thông báo cho bị đơn biết thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.  

Việc giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài theo nội dung của Công văn số 253/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, công văn này chỉ mang tính chất là văn bản nội bộ của ngành Tòa án, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc này theo đúng quy định của pháp luật thì những trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài mà không rõ địa chỉ của bị đơn cần được pháp điển hóa bằng văn bản luật cụ hoặc Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật.

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, xem xét để giải quyết triệt để nội dung này./.

<

Tin mới nhất

Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng Điều 306 BLHS(17/06/2024 8:35 SA)

Vướng mắc trong việc giải quyết vụ, việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài(05/04/2024 4:34 CH)

Xác định tội danh đối với tội ma tuý- Một số vấn đề cần trao đổi(18/03/2024 11:07 SA)

Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 173 BLHS?(11/03/2024 3:27 CH)

Nguyễn Phương T phạm tội gì?(11/03/2024 3:24 CH)

Vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp(11/03/2024 11:35 SA)

Vướng mắc từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính (08/03/2024 9:39 SA)

Vướng mắc khi giải quyết các vụ án “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (08/03/2024 9:34 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
248 người đã bình chọn
°
974 người đang online