Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về thay đổi địa vị tố tụng trong vụ án dân sự sơ thẩm

Đăng ngày 27 - 02 - 2024
100%

Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự cho thấy Bộ luật Tố tụng Dân sự chưa dự liệu hết các tình huống phát sinh trong thực tiễn, dẫn đến việc giải quyết vụ án dân sự còn nhiều vướng mắc, nhiều khi việc giải quyết bị kéo dài một cách không cần thiết. Trang tin xin gửi tới bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm, Kiểm sát viên Phòng 9 VKSND tỉnh Thanh Hoá về một trong các trường hợp này.

Ảnh minh họa: KSV tham gia phiên tòa dân sự

Tình huống thực tế: Chị Trần Thị Hà P khởi kiện yêu cầu ông Trần Văn T và bà Mai Thị L phải tháo dỡ tài sản trên đất trả lại mặt bằng là 46,2m2 đất ở tại thửa số 200 tờ bản đồ số 6 bản đồ địa chính thị trấn N, huyện S, tỉnh T. Nguồn gốc thửa đất do chị P nhận chuyển nhượng của vợ chồng bà Nguyễn Thị D và ông Mai Văn B và chị P đã được UBND huyện S cấp giấy chứng nhận QSD đất ngày 10/01/2020. Hiện nay trên một phần thửa đất có nhà cấp 4 (chỉ còn phần móng và tường) là tài sản của ông T, bà L. Chị P đã nhiều lần yêu cầu ông T, bà L phải tháo dỡ công trình trên đất để trả lại mặt bằng cho chị nhưng ông T, bà L không đồng ý.   

Tòa án nhân dân huyện S đã thụ lý vụ án xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự nguyên đơn là chị Trần Thị Hà P, bị đơn là ông Trần Văn T, bà Mai Thị L, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị D và ông Mai Văn B, quan hệ tranh chấp là "tranh chấp quyền sử dụng đất".     

Quá trình giải quyết vụ án, chị P nhận thấy việc yêu cầu khởi kiện buộc ông T, bà L phải bàn giao tài sản cho chị là chưa phù hợp nên chị P có đơn đề nghị Tòa án huyện S thay đổi tư cách tố tụng trong vụ án xác định nguyên đơn là bà Nguyễn Thị D, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Trần Văn T, bà Mai Thị L và thay đổi quan hệ tranh chấp trong vụ án là "tranh chấp thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất". Theo đó chị P yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Nguyễn Thị D phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản là toàn bộ thửa đất số 200 tờ bản đồ số 06 diện tích là 117m2 theo hợp đồng chuyển nhượng đất đã ký kết giữa chị và bà D với ông B đã được công chứng hợp pháp. 

 Toà án nhân dân huyện S căn cứ Điều 26, khoản 3, 4 Điều 68 BLTTDS, ra Thông báo số 01/2022/TB-TA về thay đổi tư cách tố tụng của đương sự và quan hệ tranh chấp trong vụ án. Theo đó, Tòa án đã xác định lại tư cách tố tụng của các đương sự bà Nguyễn Thị D là bị đơn, ông Trần Văn T, bà Mai Thị L và ông Mai Văn B (chồng bà D) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Về việc Tòa án nhân dân huyện S ra thông báo thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự hiện nay có hai quan điểm:

* Quan điểm thứ nhất: Như Tòa án nhân dân huyện S đã thực hiện là Tòa án ra thông báo cho các đương sự biết về việc thay đổi vị trí tố tụng và quan hệ tranh chấp vì cho rằng vẫn đảm bảo ý kiến, quyền lợi của các đương sự vẫn được xem xét trong vụ án này và tránh làm mất thời gian giải quyết.

* Quan điểm thứ hai: Tòa án nhân dân huyện S phải hướng dẫn nguyên đơn rút đơn khởi kiện đối với ông T, bà L và đình chỉ giải quyết vụ án "tranh chấp quyền sử dụng đất". Sau đó chị P khởi kiện bà D và Tòa án thụ lý giải quyết bằng vụ án dân sự khác trong đó xác định quan hệ pháp luật "tranh chấp thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSD đất" và xác định bị đơn là bà Nguyễn Thị D, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Trần Văn T và bà Mai Thị L vì khi chị P thay đổi nội dung khởi kiện thì tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, quan hệ tranh chấp và đối tượng khởi kiện cũng thay đổi.  

Theo tác giả thì Toà án phải giải quyết theo quan điểm thứ hai vì Điều 245 Bộ LTTDS 2015 chỉ quy định Toà án thay đổi địa vị tố tụng của đương sự trong các trường hợp sau:

Thứ nhất: Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.

Thứ hai: Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố nhưng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Bộ LTTDS năm 2015 chưa quy định về việc thay đổi địa vị tố tụng khi nguyên đơn chỉ có đơn đề nghị. Hơn nữa việc thay đổi nội dung khởi kiện, người bị kiện của nguyên đơn cũng làm thay đổi quan hệ pháp luật ban đầu, thay đổi hậu quả pháp lý đối với đương sự. Mặt khác về thời hạn giải quyết vụ án, BLTTDS cũng chưa quy định khi thay đổi địa vị tố tụng thì thời hạn giải quyết vụ án được tính như thế nào (được tính lại thời hạn hay tiếp tục thời hạn)?

Đây là hình huống pháp lý thực tế xảy ra và đang vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật nên tác giả nêu ra để độc giả cùng nghiên cứu, trao đổi./.

<

Tin mới nhất

VƯỚNG MẮC KHI GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ VỀ YÊU CẦU CHẤM DỨT NUÔI CON NUÔI(10/01/2025 4:18 CH)

VKSND huyện Thọ Xuân: Sinh hoạt chuyên đề định kỳ về công tác kiểm sát giải quyết án dân sự (07/10/2024 10:33 SA)

Trao đổi về bài viết “Nguyễn Phương T phạm tội gì?”(26/07/2024 8:58 SA)

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên theo lời dạy của Bác Hồ: “Công...(25/07/2024 8:42 SA)

Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng Điều 306 BLHS(17/06/2024 8:35 SA)

Vướng mắc trong việc giải quyết vụ, việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài(05/04/2024 4:34 CH)

Xác định tội danh đối với tội ma tuý- Một số vấn đề cần trao đổi(18/03/2024 11:07 SA)

Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 173 BLHS?(11/03/2024 3:27 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
263 người đã bình chọn
°
806 người đang online