VƯỚNG MẮC KHI GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ VỀ YÊU CẦU CHẤM DỨT NUÔI CON NUÔI

Đăng ngày 10 - 01 - 2025
100%

Các quy định về việc nuôi con nuôi cũng như các quy định về căn cứ để chấm dứt việc nuôi con đã được quy định tại Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các việc “Yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi” trong trường hợp con chưa thành niên lại có vướng mắc khi pháp luật Việt Nam đang ưu tiên bảo vệ quyền lợi trẻ em, xin trao đổi cùng bạn đọc.

Luật Nuôi con nuôi năm 2010 (Hình minh họa)

Nội dung việc dân sự: Anh N và chị L đã nhận nuôi cháu P (sinh năm 2015) từ 26/9/2019. Đến ngày 12/11/2024, thì anh N và L làm đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự “Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi”. Vợ chồng anh N và chị L ly hôn vào thời điểm năm 2023, cháu P được Tòa án giao cho anh N nuôi dưỡng. Tuy nhiên, cháu P có nguyện vọng được về với mẹ đẻ là chị Tr. Anh N, chị L thấy nguyện vọng của cháu là chính đáng nên đã đề nghị Tòa án giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi. Qua việc lấy lời khai cháu P xác định cháu có nguyện vọng được về ở với mẹ đẻ và hiện nay cháu đang ở cùng với mẹ đẻ. Anh N, chị L yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì cháu P đồng ý. Tại phiên họp giải quyết việc DS, chị Tr cũng thừa nhận cháu P là con đẻ của chị. Chị đã đồng ý cho anh N, chị L nhận cháu là con nuôi từ năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2023 anh N và chị L xảy ra mâu thuẫn và ly hôn, thì cháu P đã về ở với chị. Hiện tại cháu P có nguyện vọng về ở với chị, chị Tr cũng có nguyện vọng được nuôi cháu P.

Giải quyết của Tòa án: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Điều 25 Luật nuôi con nuôi để làm căn cứ chấp nhận đơn yêu cầu của anh N, chị L để chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa anh N và chị L đối với cháu P.

* Vướng mắc về áp dụng pháp luật:

Quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi về Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi quy định việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này…

Như vậy, căn cứ chấm dứt việc nuôi con không có trường hợp đối với trẻ chưa thành niên mà có nguyện vọng về ở với cha mẹ đẻ. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 25 Luật nuôi con nuôi để tuyên chấm dứt việc nuôi con nữa giữa anh N, chị L và cháu P là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nguyện vọng của cháu P là được về ở với mẹ đẻ, mẹ đẻ cháu P cũng có nguyện vọng nhận lại cháu. Nếu tuyên không chấp việc chấm dứt việc nuôi con thì lại không phù hợp với tình tiết của vụ việc. Tuy nhiên, nội dung của việc trên lại phù hợp với nội dung Án lệ 61/2023/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào các ngày 01, 02, 03 tháng 02 năm 2023 và được công bố theo Quyết định 39/QĐ-CA ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Chánh án TAND tối cao. Như vậy, án lệ này đã mở ra một hướng khác cho việc chấm dứt nuôi con nuôi. Điều này là dễ hiểu vì các chủ thể có quyền và nghĩa vụ đều đạt sự thống nhất trong việc chấm dứt việc nuôi con nuôi. Việc thống nhất này không trái đạo đức xã hội, đặc biệt là không ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em (một trong những mục đích quan trọng nhất của việc nuôi con nuôi). Do đó, việc tòa án công nhận thỏa thuận của tất cả các bên về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi là phù hợp.

Từ nội dung của việc dân sự trên có thể thấy quy định của Luật Nuôi con nuôi về căn cứ chấm dứt nuôi con nuôi còn chưa dự liệu hết các trường hợp có thể xảy ra trên thực tế. Theo quan điểm của tác giả: Đề xuất kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, bổ sung thêm căn cứ để chấm dứt nuôi con như sau: “Khi con nuôi chưa đủ tuổi thành niên nhưng có nguyện vọng trở về sống cùng cha mẹ đẻ, cha mẹ đẻ muốn nhận lại con, cha mẹ nuôi cũng có nguyện vọng chấm dứt việc nuôi con nuôi.”./.

<

Tin mới nhất

VƯỚNG MẮC KHI GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ VỀ YÊU CẦU CHẤM DỨT NUÔI CON NUÔI(10/01/2025 4:18 CH)

VKSND huyện Thọ Xuân: Sinh hoạt chuyên đề định kỳ về công tác kiểm sát giải quyết án dân sự (07/10/2024 10:33 SA)

Trao đổi về bài viết “Nguyễn Phương T phạm tội gì?”(26/07/2024 8:58 SA)

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên theo lời dạy của Bác Hồ: “Công...(25/07/2024 8:42 SA)

Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng Điều 306 BLHS(17/06/2024 8:35 SA)

Vướng mắc trong việc giải quyết vụ, việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài(05/04/2024 4:34 CH)

Xác định tội danh đối với tội ma tuý- Một số vấn đề cần trao đổi(18/03/2024 11:07 SA)

Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 173 BLHS?(11/03/2024 3:27 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
263 người đã bình chọn
°
2242 người đang online