Một số vướng mắc, bất cập qua thực tiễn giải quyết các vụ án Đánh bạc và kiến nghị hoàn thiện

Đăng ngày 29 - 02 - 2024
100%

Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (gọi tắt là Nghị quyết 01/2010) đã quy định tương đối toàn diện để áp dụng và xử lý triệt để các hành vi đánh bạc. Tuy nhiên, đến nay, khi phát sinh nhiều hình thức đánh bạc mới đòi hỏi phải có Nghị quyết thay thế Nghị quyết 01/2010 để xử lý triệt để, áp dụng thống nhất pháp luật nhằm đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Một phiên tòa xét xử vụ án Đánh bạc

1. Những vướng mắc, bất cập:

          1.1. Vướng mắc trong việc xử lý hành vi đánh bạc nhiều lần mà mỗi lần số tiền đánh không đủ định lượng xử lý hình sự hoặc có cộng dồn tiền đánh bạc để định khung hình phạt.          

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010, quy định:

“2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:

a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;

b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;

c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự…”.

          Quy định trên đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp đặc biệt là đối với trường hợp các đối tượng đánh bạc nhiều lần mà mỗi lần số tiền đánh bạc dưới 5.000.000đ. Ví dụ, một đêm Nguyễn Văn A cá độ 5 trận bóng đá, thuộc nhiều giải đấu khác nhau, mỗi trận số tiền đánh bạc xác định đều 4.000.000đ, như vậy một đêm A đánh 20.000.000đ. Nếu căn cứ vào quy định nêu trên thì A không phạm tội “Đánh bạc” vì số tiền đánh bạc mỗi trận dưới 5.000.000đ. Nhưng Nguyễn Văn B chỉ đánh một trận, với số tiền đánh bạc là 5.000.000đ thì B lại phạm tội “Đánh bạc”, điều này rõ ràng là bất hợp lý và không công bằng.

          Hoặc đối với hành vi đánh bạc nhiều lần mà số tiền đánh bạc cộng dồn trên 50.000.000đ nhưng số tiền mỗi ván không có ván nào từ đủ 50.000.000đ thì dù số tiền cộng dồn bao nhiêu thì cũng chỉ bị xử lý theo khoản 1 Điều 321 BLHS. Nhưng đối với hành vi đánh bạc với số tiền một ván đủ 50.000.000đ thì lại bị khởi tố theo khoản 2 Điều 321 với khung hình phạt cao hơn nhiều. Dẫn đến áp dụng chế tài không tương xứng với tính chất hành vi phạm tội.

          1.2. Vướng mắc trong việc xác định số lần đánh bạc

          Ví dụ: Ngày 02/3/2023, Nguyễn Văn A sử dụng tài khoản đánh bạc của mình truy cập vào trang Web đánh bạc trực tuyến với trang mạng, hình thức đánh tài xỉu, quá trình điều tra trên cơ sở lịch sử giao dịch được rút ra từ tài khoản đánh bạc của A xác định A đánh 65 ván vào nhiều thời gian khác nhau trong ngày và tất cả các ván đánh số tiền đánh và trúng đều dưới 5.000.000đ nhưng ngoài lời khai của A không có căn cứ xác định A truy cập bao nhiêu lần. Kiểm tra sao kê tài khoản Ngân hàng dùng để nạp tiền đánh bạc của A thì phát hiện A nạp tiền một lần số tiền 60.000.000đ vào tài khoản game bạc. Trường hợp trên thì việc xác định số lần đánh bạc có ý nghĩa quyết định trong việc xác định A có phạm tội hay không. Nếu mỗi ván là một lần thì theo quy định trên A không phạm tội vì mỗi lần số tiền đánh bạc dưới mức định lượng xử lý hình sự. Nếu căn cứ vào số lần truy cập thì ngoài lời khai của A không có căn cứ xác định A truy cập bao nhiêu lần và thực tế A cũng không nhớ mình truy cập bao nhiêu lần. Nếu căn cứ số lần nạp tiền, giả sử A nạp nhiều lần mỗi lần dưới 2.000.000đ thì không xử lý được. Do đó, cần quy định rõ để tránh việc áp dụng không thống nhất ở nhiều địa phương.

2. Kiến nghị hoàn thiện:

Từ những vướng mắc, bất cập trên, hiện nay có một số quan điểm kiến nghị sửa đổi quy định về cộng dồn số tiền, giá trị hiện vật của các lần đánh bạc không đủ định lượng nhưng hành vi đánh bạc xảy ra liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian trên cơ sở vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV, các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, tôi thấy kiến nghị quy định như trên là chưa giải quyết triệt để những bất cấp trong thực tiễn. Vì nếu giả sử các hành vi đánh bạc không liên tục, kế tiếp nhau về thời gian nhưng hành vi phạm tội xảy ra nhiều lần, các lần đều chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính thì không xử lý được. Do đó, trên cơ sở vận dụng tinh thần lập pháp của các Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm về chức vụ và Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đối với những hành vi vi phạm dưới định lượng xử lý hình sự mà điều luật quy định nhưng cộng dồn số tiền đủ định lượng và các lần chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn xử lý hình sự. Tôi kiến nghị quy định như sau:

“1. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc, mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của mỗi lần đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

2. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc mà các lần tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc đều dưới 5.000.000 đồng nhưng tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của các lần đánh bạc, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

3. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc, trong đó có một lần đánh bạc, thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên và hành vi đánh bạc này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi đánh bạc khác tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc dưới 5.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của các lần đánh bạc, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

          Quy định như trên giải quyết được các vấn đề sau:

          Thứ nhất, sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý được các hành vi đánh bạc nhiều lần mà mỗi lần số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc dưới 5.000.000 đồng nhưng cộng dồn số tiền trên 5.000.000 đồng, chỉ cần còn thời hiệu xử phạt hành chính mà chưa bị xử phạt là có thể cộng dồn để xử lý.

          Thứ hai, sẽ đảm bảo công bằng và phù hợp với chính sách xử lý như các tội phạm khác đối với quy định cộng dồn để định khung tăng nặng và áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

          Thứ ba, giải quyết được khó khăn trong việc xác định số lần phạm tội đối với các hình thức đánh bạc mới như hình thức cá cược tài xỉu, xúc xắc online, các con bạc đánh nhiều ván, thì mỗi ván được hiểu là một lần chơi, một lần đánh vì đã có kết quả thắng thua theo từng ván, quy định về số lần truy cập và lần nạp tiền để xác định là một lần đánh bạc là không phù hợp với thực tiễn và không đánh giá đúng hành vi, bản chất của hình thức đánh này./.

<

Tin mới nhất

VƯỚNG MẮC KHI GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ VỀ YÊU CẦU CHẤM DỨT NUÔI CON NUÔI(10/01/2025 4:18 CH)

VKSND huyện Thọ Xuân: Sinh hoạt chuyên đề định kỳ về công tác kiểm sát giải quyết án dân sự (07/10/2024 10:33 SA)

Trao đổi về bài viết “Nguyễn Phương T phạm tội gì?”(26/07/2024 8:58 SA)

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên theo lời dạy của Bác Hồ: “Công...(25/07/2024 8:42 SA)

Vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng Điều 306 BLHS(17/06/2024 8:35 SA)

Vướng mắc trong việc giải quyết vụ, việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài(05/04/2024 4:34 CH)

Xác định tội danh đối với tội ma tuý- Một số vấn đề cần trao đổi(18/03/2024 11:07 SA)

Nguyễn Văn A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 173 BLHS?(11/03/2024 3:27 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
263 người đã bình chọn
°
801 người đang online