Trong thực tiễn áp dụng Điều 49 Bộ luật hình sự “Bắt buộc chữa bệnh” thì thời gian bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù không, hay chỉ thời gian bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn chấp hành án mới được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù? Hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”.
Vậy, thời gian bắt buộc chữa bệnh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù không hiện đang có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Thời gian bắt buộc chữa bệnh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, chỉ có trường hợp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn thi hành án mới được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù, vì:
Khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
Như vậy, thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù chỉ được áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù quy định tại khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Minh chứng cho quan điểm trên, trong thời gian qua đã có bản án quyết định trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn chuẩn bị xét xử bị Tòa án cấp trên kháng nghị hủy án, như:
Bản án hình sự sơ thẩm số 361/2021/HS-ST, ngày 03/12/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương áp dụng điểm b, khoản 2 Điều 318; các điểm b, s, q khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt Hoàng Văn K 02 năm 04 tháng 21 ngày tù (thời hạn chấp hành hình phạt bằng thời gian tạm giữ, tạm giam và thời gian bắt buộc chữa bệnh) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Ngày 12/12/2022, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 14/2022/KN-HS, kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 361/2021/HS-ST ngày 03/12/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 361/2021/HS-ST ngày 03/12/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương về phần trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Văn K để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 14 tháng 3 năm 2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự nêu trên. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2023/HS-GĐT, ngày 14/3/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
“Tại khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
Theo quy định nêu trên thì thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù chỉ được áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù. Như vậy, tại thời điểm xét xử, bị cáo Hoàng Văn K không phải là người đang chấp hành hình phạt tù. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương khi quyết định hình phạt lại tính thời gian bắt buộc chữa bệnh từ ngày 20/12/2019 đến ngày 24/11/2021 để khấu trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với bị cáo Hoàng Văn K là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, vi phạm Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, việc khấu trừ nêu trên dẫn đến người bị xử phạt tù không phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã có hiệu lực pháp luật”.
Từ nhận định trên, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 361/2021/HS-ST ngày 03/12/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hoàng Văn K; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ hai (tác giả thống nhất với quan điểm này): Thời gian bắt buộc chữa bệnh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, vì:
- Thứ nhất: Đoạn 2 khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
Cụm từ trên không nằm liền mạch trong khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự, mà được ngắt xuống dòng. Như vậy, cụm từ: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù” được áp dụng cho cả 3 khoản của Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 chứ không phải chỉ áp dụng cho riêng khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự.
- Thứ hai: Điểm a khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tha tù trước thời hạn có điều kiện, hướng dẫn:
“Điều 2. Điều kiện tha tù trước thời hạn có Điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
6. Đã chấp hành được ít nhất một Phần hai mức phạt tù có thời hạn; ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
a) Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian người đó bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ hoặc thời gian người đó bị bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Thời gian đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (nếu có) được tính để trừ vào Phần thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại”.
Như vậy, điểm a, khoản khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 nêu trên hướng dẫn rất rõ: “Thời gian đã chấp hành án phạt tù là … thời gian người đó bị bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” chứ không phải chỉ trong giai đoạn thi hành án.
- Thứ ba: Tại câu 6, Tài liệu giải đáp khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự do Vụ 7 và vụ 14 Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã giải đáp:
“6. Trường hợp bắt buộc chữa bệnh đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì thời gian bắt buộc chữa bệnh đó có được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù không?
Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện: “Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian người đó bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ hoặc thời gian người đó bị bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù”.
Do vậy, để bảo đảm công bằng giữa đối tượng đang được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và đối tượng đang chấp hành án phạt tù khác thì thời gian bắt buộc chữa bệnh đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều kiển hành vi của mình, thời gian bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đều được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
- Thứ tư: Quyết định giám đốc thẩm số 14/2023/HS-GĐT, ngày 14/3/2023 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh mặc dù đã quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 361/2021/HS-ST ngày 03/12/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương do bản án sơ thẩm nêu trên đã trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh của bị cáo trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vào thời hạn chấp hành hình phạt tù là do quyết định giám đốc thẩm nêu trên chưa căn cứ vào hướng dẫn tại điểm a khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hơn nữa quyết định giám đốc thẩm nêu trên không phải là án lệ nên không có căn cứ để áp dụng.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý độc giả./.